Thị trường hàng hóa
Thị trường trái phiếu toàn cầu có thể có sự thay đổi lớn khi các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Nhật Bản tăng cường bán ra các trái phiếu nước ngoài để tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu nội địa của quốc gia này.
Cụ thể, nhóm các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Nhật Bản đang nắm giữ tổng tài sản trị giá 2.900 tỷ USD đang dự định đưa ra các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư mới cho năm nay. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng một phần tới các chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng như các thị trường tài chính thế giới.
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu nới lỏng các chính sách tiền tệ vốn trước đây được thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ dẫn đến việc lợi suất trái phiếu của Nhật Bản cao hơn. Điều này sẽ khiến các công ty bảo hiểm chuyển hướng sang nắm giữ trái phiếu nội địa đồng thời bán ra trái phiếu nước ngoài.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg thì các công ty bảo hiểm tại NHật đã bán ra 14.200 tỷ yên, tương đương 107 tỷ USD trái phiếu nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022. Ở chiều ngược lại, nhóm công ty này đã mua 4.900 tỷ Yên trái phiếu địa phương trong cùng thời gian này.
Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn nguồn vốn từ NHật Bản đã bị rút ra khỏi các thị trường nước ngoài trong năm 2022 khiến cho các đơn vị đang nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ cũng như các loại trái phiếu nước ngoài khác cảm thấy lo lắng.
Các chuyên gia cho rằng làn sóng rút tiền khỏi thị trường nước ngoài, chuyển hướng về lại Nhật Bản sẽ gây nên biến động cho thị trường tài chính quốc tế. Điển hình như Dai-ichi Life Holdings- công ty bảo hiểm nhân thọ có danh mục đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản cũng cho biết rằng họ đang chuyển nhiều tiền hơn sang nắm giữ trái phiếu trong nước thay vì trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu nước ngoài khác.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lại kỳ vọng rằng xu hướng trên có thể đảo chiều khi mà Fed dự kiến sẽ điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất và thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Kazuo Ueda có thể sẽ điều chỉnh lại chính sách.
Shoki Omori, trưởng bộ phận Chiến lược của Công ty Chứng khoán Mizuho thì kỳ vọng rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục tập trung vào trái phiếu trong nước bởi họ cần nắm giữ thêm 35.000 tỷ yên trái phiếu chính phủ Nhật Bản dài hạn để đáp ứng các yêu cầu quản lý nợ và tài sản trước tháng 4 năm 2025.
Các chiến lược gia của Citigroup và nhiều chuyên gia kinh tế toàn cầu đang lo lắng khi dòng vốn của Nhật Bản có xu hướng thu về trong nước sẽ gây biến động lên trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như thị trường trái phiếu toàn cầu.
Đối với thị trường chứng khoán, Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Sumitomo Mitsui Trust Bank đưa ra ý kiến cho rằng sự thay đổi trong tâm lý của nhà đầu tư khiến cho cổ phiếu không còn hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm. Nhất là trong thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, các công ty bảo hiểm sẽ khó có khả năng bổ sung lượng cổ phiếu nắm giữ.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm