Thị trường hàng hóa
CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam - VIS Rating vừa công bố ước tính tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3 năm 2023 đã lên tới 10%. Con số này đã leo thang không ít khi mà trong tháng 9 năm 2022 trước đó mới chỉ dừng ở ngưỡng 1,2%.
Lượng này chưa bao gồm những trường hợp doanh nghiệp không thể hoàn thành được nghĩa vụ thanh toán trái phiếu doanh nghiệp từng công bố trước tháng 9 năm 2022.
Một điểm đáng chú ý đó là 71% các trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu có liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Đây cũng có thể coi là một trong những nhóm ngành có tỷ lệ nợ xấu doanh nghiệp cao nhất.
Hầu hết đều là những công ty chưa niêm yết, có đòn bẩy tài chính cao, gặp khó khăn khi thị trường đóng băng dẫn tới không thể duy trì được dòng tiền để trả nợ trái phiếu đến hạn. Tỷ lệ nợ xấy của trái phiếu doanh nghiệp trong nhóm ngành này lên tới 17% tính tới hết tháng 3 năm 2023.
Đối với nhóm ngành tiện ích, phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới những doanh nghiệp mới, phát triển điện gió và điện năng lượng mặt trời. Nhóm doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc thương mại hóa cho các dự án của mình. Tỷ lệ nợ xấu trong trái phiếu nhóm ngành này lên tới 31%.
Đối với ngành sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ nợ xấu trong trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tới 54%
Có khoảng 95% các trường hợp nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp phát sinh do tổ chức phát hành không thể thanh toán lãi trái phiếu khi đến hạn. VIS Rating đánh giá rằng điều này phản ánh sự yếu kém trong dòng tiền của các tổ chức.
Đánh giá về nhóm các doanh nghiệp chậm hoặc mất khả năng thanh toán đối với nợ trái phiếu, VIS Rating thống kê 73% đơn vị này có nguồn tài chính kém, đa phần đều là các doanh nghiệp chưa niêm yết. Thêm vào đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nguồn lợi nhuận kém đã khiến các doanh nghiệp này không có đủ nguồn tiền mặt để trả nợ trái phiếu đến hạn.
Thêm vào đó, nguyên nhân gây nên nợ xấu trái phiếu còn đến từ sự chênh lệch dòng tiền kinh doanh với thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Cùng với đó là việc thắt chặt chính sách tiền tệ gây suy yếu cho thị trường trái phiếu vào cuối năm 2022.
Rất nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu có thời hạn từ 1 đến 3 năm để phục vụ cho các dự án có mục tiêu dài hạn thuộc các tập đoàn lớn. Ngoài ra, nhiều tổ chức phát hành trái phiếu cũng đã có các khoản nợ tại ngân hàng. Lượng đơn vị phát hành trái phiếu có nợ xấu trái phiếu đang chiếm khoảng 1% lượng tiền cho vay tại Ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của điều này tới hệ thống ngân hàng vẫn có thể kiểm soát được vì các khoản vay của đơn vị này đều được đảm bảo bằng bất động sản.
Dù vậy thì trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể coi là điểm nóng của nền kinh tế trong năm 2023. Bởi theo ước tính, có tới 252 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp tới hạn trong năm nay, trong đó có tới 113 nghìn tỷ, tương đương khoảng 45% giá trị, có thể mất khả năng thanh toán, phần lớn trong đó nằm ở các doanh nghiệp bất động sản có dòng tiền và nguồn lực tài chính yếu.
Dự báo nhóm ngành bất động sản sẽ phải đối mặt với khó khăn gia tăng khi nhóm này chiếm lượng lớn trong số 113 nghìn tỷ trái phiếu có khả năng cao trở thành nợ xấu kể trên. Việc vay thêm tiền từ ngân hàng đối với nhóm này cũng gặp nhiều khó khăn.
VIS Rating cũng thống kê có tới 88 đơn vị phát hành trái phiếu của nhóm này có nền tảng tài chính yếu và khó có khả năng hoàn thành được nghĩa vụ thanh toán trái phiếu trong thời gian tới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm