Thị trường hàng hóa
Miền Tây mùa này đang vào mùa nước nổi. Con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long tạo thành một biển nước mênh mông trên những cánh đồng. Đã từng có một thời mùa nước nổi bị “hàm oan” là thiên tai có hại trong khi cư dân đồng bằng sông Cửu Long trông mùa về như một cách “thay đổi không khí”, là mùa cho đất nghỉ để “ngậm” phù sa, để rửa sạch, diệt trừ sâu bệnh cho đất. Nhưng thú vị nhất chính là người dân được tha hồ hốt bạc nhờ các nguồn lợi thủy sản theo nước đổ về, được tha hồ nghĩ ra đủ kiểu cách chế biến và ăn đã thèm các món ăn từ cá và các loại rau thiên nhiên chỉ có trong mùa nước nổi.
Từ lâu, đã trở thành huyền thoại, đi vào thơ ca nhạc họa là món cá linh với bông điên điển. Từ nồi canh chua dân dã đến món lẩu “sang chảnh”, thương hiệu cá linh bông điên điển đã đóng dấu bản quyền của miền Tây mùa nước nổi.
Nhưng thời thế có vẻ đã đổi thay, chưa biết chắc ai sẽ là “trùm cuối” khi đứng kế bên bông điên điển, bông súng không hề thua kém khi được góp mặt vào các món đặc sản mùa nước nổi.
Nhưng trước khi nói về vai trò ẩm thực của bông súng, có lẽ cũng nên thưởng thức bông súng bằng con mắt nghệ thuật trước đã.
Về miền Tây mùa nước nổi - mùa súng đang nở rộ - bạn không thể bỏ qua những cánh đồng nước trải dài đầy mê hoặc bởi một sắc tím mênh mang và hoang dại. Đó là những “cánh đồng bông súng”.
Không quý phái, thanh cao, không tỏa hương nồng nàn như sen, súng làm đắm say lòng người bởi sự hoang sơ, khiêm nhường và mộc mạc. Một bên là tiểu thư khuê các, một bên là thôn nữ lớn lên từ gốc rạ, bờ dừa nhưng giống nhau ở chỗ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Mùa nước lên, những chùm rễ bông súng ngủ vùi dưới lớp bùn mùa nước rút năm ngoái sẽ theo nước vươn cao, nước cao bao nhiêu thì cọng bông súng dài ra bấy nhiêu. Lá bông súng từa tựa lá sen nằm la đà trên mặt nước. Chỉ có những ả bông muốn khoe vẻ đẹp của mình nên cố nhô lên.
Màu bông súng tím phơn phớt hồng trải dài trên cánh đồng mênh mang nước là nguồn cảm hứng sáng tạo không biên giới của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn mấy tay máy tơ lơ mơ chuyên săn ảnh mùa nước nổi. Cũng có nhiều người nhã hứng với bông súng trắng bèn chờ đêm xuống khi những bông súng ma nở rộ mới “ra tay”. Hình ảnh các cô gái tạo dáng bên các xuồng bông súng, e ấp làm duyên, đưa tay giả vờ bứt cọng bông súng… là những bức hình không thể thiếu trong bộ sưu tập hình ảnh du lịch mùa nước nổi và là “món mồi nhậu béo bở cho phây” của các chị em.
Nếu như sắc màu nền nã của bông súng là nguồn sáng tạo đầy hứng khởi dành cho nghệ thuật thì cọng bông súng mới chính là nguồn cảm hứng sáng tạo ẩm thực.
Cọng bông súng không có mùi vị gì đặc biệt, nó xôm xốp, giòn giòn, chứa nhiều nước. Nhưng giá trị của nó nằm ở sự “hỗ trợ” và “tính cộng đồng”. Nhiều món ăn trở thành đặc sản, trở nên nổi tiếng, chính là nhờ sự có mặt của bông súng. Theo bảng thống kê của một trang ẩm thực hiện có đến hơn 20 món ngon được chế biến có sự góp mặt của bông súng.
Nhưng kinh điển vẫn phải kể đến: Bông súng ăn kèm với bông điên điển và các loại rau trong món mắm kho, bún mắm, lẩu mắm hay canh chua. Còn khi súng chỉ một mình, không kèm với “ai” thì có bông súng bóp gỏi; bông súng xào, luộc, làm dưa…
Bông súng tước vỏ, rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc vừa ăn… sau đó muốn làm gì thì làm.
Bông súng kết hợp với mắm cá sặc cá linh cho ra một không gian hòa quyện mùi thơm nồng của mắm, vị ngọt của các loại hải sản, ngầy ngậy của thịt ba rọi, mùi thơm tổng hợp vị chua cay đắng chát của các thể loại rau… nhất định đi du lịch mùa nước nổi không ăn không về.
Còn khi bông súng kết hợp với cá đồng, me chua, ngò gai, rau om, ớt hiểm cho ra nồi canh chua thì phải gọi là “khi đứng một mình súng mới kiêu hãnh làm sao”.
Một món ngon khác từ bông súng, rất dễ làm, đó là món gỏi bông súng. Bông súng thêm chút nước mắm, đường, cốt chanh, tôm, thịt ba rọi luộc xắt mỏng, mấy lá rau răm xắt nhuyễn vài sợi ớt sừng, mấy hột đậu phong đâm “ba xồn ba xực”, tất cả trộn lên… làm mồi nhậu, ăn chơi hay ăn với cơm nóng, thậm chí đãi đám tiệc… được hết.
Ngoài ra mấy “nhà nghiên cứu y học miệt vườn” còn quả quyết súng có nhiều giá trị dinh dưỡng, có tác dụng an thần, hỗ trợ một số bệnh về tim mạch, tiêu hóa, cả “chuyện ấy” nữa.
Còn tại sao khi nói đến bông súng, dân gian thường kèm nó với củ co: “Củ co, bông súng, rau tràng/ Chờ đôi năm nữa cho nàng lớn khôn”, “Cảm ơn bông súng, củ co/ Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng”, “Em muốn về Mỹ Hội mà bà nội không cho/ Bắt vào Đồng Tháp, ăn bông súng với củ co thấu trời”… thì mời bạn nán lại đồng nước phương Nam để khám phá “cô em bạn dì” này của bông súng nhen.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm