Thị trường hàng hóa
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc lễ hội văn hóa-du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.
Hôm qua (25/9), tại thôn Pom Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, lễ hội cốm đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã và du khách tham gia.
Lễ hội cốm là thể hiện của cư dân về lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho nhân dân được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ. Hàng năm, vào tháng 8 Âm lịch, bà con trong các bản làng người Thái, xã Tú Lệ lại tổ chức lễ "Mừng cơm mới”, để xin các bậc thần linh, tổ tiên phù hộ và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con trong bản khỏe mạnh, sống vui vẻ, chan hòa.
Sau lễ cúng mừng cơm mới là phần hội, trong đó phần chính là hội thi giã cốm. Hội thi giã cốm tại Lễ hội năm nay có các đội thi đến từ 9 thôn bản của xã Tú Lệ.
Ngay từ sáng sớm, các cô gái và chàng trai của mỗi đội thi đã ra đồng gặt những bông lúa còn đẫm sương đêm mang về làm cốm. Sau khi chọn lúa, suốt hạt, mỗi đội có 4 thí sinh tham gia phần thi giã cốm thơm, dẻo ngon, màu sắc đẹp và thi gói cốm.
Dưới bàn tay khéo léo, phối hợp nhịp nhàng của các cô gái, chàng trai các khâu chọn lúa, rang thóc, đến giã cốm đều được thể hiện thuần thục, thu hút đông đảo du khách thập phương tham quan.
Cũng trong lễ hội này, tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc và văn hóa con người nơi xứ sở của những "hạt ngọc trời".
Cách Tú Lệ không xa, Lễ hội tôn vinh cây chè Shan Tuyết cổ thụ cũng đã diễn ra tại xã Suối Giàng.
Tại Lễ hội, các đại biểu và du khách thập phương được hòa mình vào những nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông ở Suối Giàng như lễ cúng tạ ơn cây chè tổ, quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như giã bánh dày, múa khèn Mông và các hoạt động thể dục thể thao truyền thống.
Lễ tôn vinh cây chè tổ được tổ chức vào giữa Thu hoặc đầu Xuân theo nghi lễ truyền thống của người Mông Suối Giàng để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè Shan. Ngay từ sáng sớm của ngày lễ, tại gốc cây chè cổ thụ ở Bản Mới, nhân dân trong bản đã bày sẵn vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống... Chủ lễ là già làng thay mặt nhân dân cúng tế cây chè tổ.
Chương trình nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng và nâng cao giá trị sản phẩm, tìm kiếm thị trường, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, ký kết bao tiêu sản phẩm để người làm chè yên tâm sản xuất. Qua đó, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đẩy nhanh quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Giàng.
Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Trong những năm qua, để cây chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa với phát triển du lịch. Xã Suối Giàng đã bước đầu áp dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu Chè Suối Giàng ngày càng được vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm