Thị trường hàng hóa
Theo công ty tư vấn Bain, những người tiêu dùng giàu có nhất của Trung Quốc sẽ tiếp tục vung tiền để sở hữu cho mình các mặt hàng xa xỉ như túi xách và đồng hồ hàng hiệu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Mặt khác, các khách hàng mua sắm thuộc tầng lớp trung lưu sẽ có xu hướng “cân đo đong đếm" hơn.
Theo báo cáo mới nhất của công ty tư vấn toàn cầu về thị trường xa xỉ của Trung Quốc, 2% người tiêu dùng hàng đầu của Trung Quốc đại lục, chiếm hơn 40% chi tiêu cho hàng xa xỉ, sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường vào năm 2023, sau khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi năm năm liên tiếp "đại thắng" vào năm ngoái.
Không gì cản nổi mua sắm của những người giàu Trung Quốc vào năm 2023, bởi vì ngay cả trong thời kỳ suy thoái năm 2022, họ đã là những “tay săn đồ hiệu” uy tín.
Theo báo cáo từ nền tảng mua sắm Tmall của Alibaba và công ty tư vấn Bain, thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc tăng trưởng khoảng 48% trong năm 2022, đạt khoảng 346 tỷ Nhân dân tệ (52,9 tỷ USD).
Đằng sau sự tăng trưởng vượt bậc này là tâm lý “chi tiêu trả thù" khi nhiều người muốn được “giải phóng” nhu cầu của bản thân sau nhiều ngày bị hạn chế đi lại, các thành phố bị phong tỏa toàn bộ. Tâm lý này khiến doanh số bán hàng trong mùa xuân năm 2023 của một số công ty thời trang xa xỉ như Tiffany (TIF) và Burberry (BBRYF) tăng trở lại.
Trong khi các trung tâm mua sắm phải vật lộn với tình trạng lượng khách ghé thăm sụt giảm, các thương hiệu cao cấp đang chứng kiến một lượng lớn khách hàng, ước tính doanh số sẽ cao hơn 40%.
Trong năm nay, nhu cầu mua sắm các mặt hàng xa xỉ sẽ quay lại khi Bắc Kinh trở về trạng thái bình thường mới.
Dù báo cáo của Bain không đưa ra tốc độ tăng trưởng dự kiến, nhưng dự đoán, doanh số bán hàng sẽ trở lại mức đã ghi nhận vào năm 2021 trong khoảng giữa nửa đầu và nửa cuối năm 2023.
Trong khi có rất nhiều tín hiệu lạc quan, thì cũng có tồn tại một số rủi ro. Các thương hiệu nổi tiếng cần giải quyết khoảng cách về giá giữa Trung Quốc và châu Âu trước khi du lịch quốc tế phục hồi.
Không giống như những người đồng hương giàu có, người tiêu dùng trung lưu của Trung Quốc ngày càng cảnh giác với việc chi tiêu cho những mặt hàng đắt tiền như ô tô. Việc mở cửa lại nền kinh tế vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi sợ hãi của họ về thu nhập thấp và tình trạng việc làm chưa ổn định.
Trên thị trường xe điện, những chiếc xe cao cấp có giá trên 300.000 Nhân dân tệ đã ghi nhận doanh số bán hàng giảm đáng kể kể từ cuối năm 2022, do nhiều người lái xe trẻ tuổi chuyển hướng sang những mẫu xe rẻ hơn có giá dưới 200.000 Nhân dân tệ.
Theo Mizuho Securities Asia, sức mạnh của “chi tiêu trả thù” có thể không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà phân tích vì nhiều người đang đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào các tài sản tài chính, có giá trị tích luỹ ổn định thay vì mua hàng tiêu dùng.
Dự đoán, tốc độ tăng trưởng chi tiêu hàng xa xỉ hàng năm có thể đạt từ 5 đến 6% vào năm 2024 do nền tảng kinh tế của Trung Quốc vẫn vững chắc.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm