Thị trường hàng hóa
Hội thảo do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức với sự bảo trợ của UBNĐ tỉnh Quảng Nam; Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng với sự hợp tác đồng tổ chức của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ (SSTP) và nhiều doanh nghiệp ở Quảng Nam.
Quyết tâm cho một hành trình
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết, hội thảo quốc tế thường niên lần này là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hành động của Hiệp hội du lịch Quảng Nam từ du lịch bền vững không rác thải nhựa đến du lịch xanh nương tựa các nền tảng giá trị đặc trưng Quảng Nam. Đồng thời khẳng định sự cam kết chung tay hành động của Hiệp hội du lịch Quảng Nam với UBND tỉnh Quảng Nam về “Môi trường du lịch bền vững tăng trưởng xanh”. “Chúng tôi đã quyết tâm cho một hành trình hướng đến mục tiêu du lịch xanh và bền vững của Quảng Nam. Trên hành trình này, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam có sự đồng hành và ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của cộng đồng và doanh nghiệp, sự hợp tác kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức, các chuyên gia...”, ông Thanh khẳng định.
Các diễn đàn tại Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề: Tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh dựa trên nền tảng văn hóa của Quảng Nam; Làm thế nào để Khai thác nét đẹp văn hóa đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình và giải pháp quốc tế áp dụng cho phát triển du lịch xanh; Kinh nghiệm khai thác nét văn hóa, lịch sử tạo sản phẩm du lịch đêm thành công tại Hà Nội và các đề xuất áp dụng cho Quảng Nam; Giữ gìn giá trị cảnh quan và vẻ đẹp “nhân tình thuần hậu” phố cổ Hội An trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay.
Bàn về vấn đề “Làm thế nào để Khai thác nét đẹp văn hóa đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh”, ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm chuyên gia SSTP đã đưa ra những nội dung đáng quan tâm về tầm quan quan trọng của tài nguyên văn hóa đặc trưng của Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh thời điểm trước dịch Covid-19; Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Quảng Nam, bên cạnh những ảnh hưởng xấu, cũng có một số điểm tốt, đây là cơ hội cho tất cả các bên liên quan trong ngành đánh giá lại và cải thiện chiến lược của họ để đảm bảo thành công trong tương lai và nâng cao năng lực sẵn sàng. Đồng thời có những thay đổi đáng kể về sự quan tâm và ưu tiên của khách trong việc họ lựa chọn cách thức đi du lịch cũng như sản phẩm, hoạt động du lịch.
“Nguồn tài nguyên phong phú và nổi bật của Quảng Nam là nền tảng để cung cấp dịch vụ du lịch, đây cũng là chìa khóa thành công của ngành du lịch Quảng Nam. Tài nguyên văn hóa đặc trưng của Quảng Nam vẫn sẽ là một nền tảng để phát triển ngành du lịch và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hướng tới phát triển du lịch xanh. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đi đầu trong việc phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động phát triển du lịch xanh Quảng Nam. Điều quan trọng là phải phù hợp với nhu cầu mới của thị trường đồng thời đảm bảo các nguồn tài nguyên văn hóa đặc trưng, coi đây là chiến lược cho Du lịch Xanh sau Covid-19”, ông Douglas Hainsworth nhấn mạnh.
Văn hóa phải giữ ở vị trí trung tâm
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo cũng đồng quan điểm cho rằng, trong việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh ở Quảng Nam, văn hóa cần phải giữ ở vị trí trung tâm, nhưng cần nỗ lực để làm đa dạng, trải rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa xanh. Chú trọng đến tính chân thực, sự đa dạng, trải rộng lợi ích và giảm bớt áp lực lên các điểm du lịch đã quá đông đúc. Đặc biệt, quan tâm đến chất lượng là yếu tố rất quan trọng đối với các thị trường chi tiêu nhiều hơn và có tính bền vững.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian tới ngành du lịch Quảng Nam tiếp tục tập trung phát triển du lịch xanh đúng với chủ đề của Năm du lịch quốc gia 2022. Du lịch xanh là xu hướng lựa chọn tất yếu của nhân loại. Du lịch xanh đề cao ý thức con người trong việc tôn tạo tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Quảng Nam sẽ quán triệt tinh thần phát triển tinh thần phát triển du lịch xanh trong từng đề án, kế hoạch, sản phẩm, đơn vị du lịch cụ thể”.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu tham gia các hoạt động tham quan trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh bền vững của Quảng Nam như: Tham quan tour xanh Quảng Nam, làng cổ Lộc Yên; Khám phá và trải nghiệm câu chuyện nông nghiệp hữu cơ & Mô hình kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là Không gian trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tiên phong tiêu chí xanh, các workshop bảo vệ môi trường như: Show tái chế xà phòng, lớp học gấp túi giấy (sử dụng thay túi nilon) và các sản phẩm được sử dụng trong ngành du lịch, mô hình du lịch xanh bền vững về chủ đề về môi trường.
Nhân sự kiện này, Hội đồng đánh giá du lịch xanh Quảng Nam công bố, biểu dương và trao chứng nhận nhãn “Xanh” cho 11 đơn vị kinh doanh du lịch tiên phong đã áp dụng và đủ điều kiện theo Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm