Thị trường hàng hóa
Đến với lễ hội lần này, ngoài việc hòa mình vào không khí lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa nơi đây, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm thử thách chinh phục đỉnh núi Chư Đăng Ya và bay dù lượn trên không ngắm sắc vàng hoa dã quỳ.
Hoa dã quỳ đã trở thành một nét đặc trưng riêng ở Tây Nguyên bởi sức sống mãnh liệt của loài hoa này. Chúng thường mọc ở ven đường, góc phố, triền đồi hay thung lũng ở tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Nhưng có lẽ, hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đăng Ya là rực rỡ và đẹp nhất.
Núi lửa Chư Đăng Ya cứ mỗi độ giữa tháng 11, khi tiết trời bắt đầu chuyển mùa, cũng là thời điểm hoa dã quỳ nhuộm vàng rực rỡ từ dưới chân đồi cho đến đỉnh miệng núi lửa. Sắc vàng của hoa dã quỳ, cộng với sắc đỏ của hoa dong riềng càng tô thêm vẻ rực rỡ cho khu vực núi lửa. Đây cũng là khoảnh khắc đẹp nhất vào dịp cuối năm mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Chư Păh, Gia Lai.
Đến với Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya năm 2022, người dân và du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ quanh khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ trên các triền đồi, mà còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên như: trình diễn cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, phục dựng Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Ja Rai, các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian…
Một trong những hoạt động cuốn hút đông đảo người dân địa phương, khách du lịch tham gia lễ hội lần này chính là cuộc thi Chinh phục đỉnh Núi lửa Chư Đăng Ya, hoạt động leo núi trải nghiệm đỉnh Chư Nâm và bay dù lượn từ đỉnh Núi lửa Chư Đăng Ya, Núi Chư Nâm ngắm hoa dã quỳ và ngắm cảnh TP Pleiku và các vùng lân cận từ trên cao.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng VHTT huyện Chư Păh cho biết, lễ hội năm nay, ngoài các môn thể thao truyền thống như: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố…, còn có cuộc thi “Chinh phục đỉnh Chư Đang Ya”. Đặc biệt, để mang đến sự hấp dẫn riêng trong lễ hội, câu lạc bộ Dù lượn Sơn Trà (Công ty Cổ phần Bay dù lượn Đà Nẵng) sẽ bay biểu diễn phục vụ người dân và du khách thưởng ngoạn dù lượn có động cơ và không động cơ. Bên cạnh hoạt động bay biểu diễn, Công ty còn thực hiện bay đôi cùng du khách. Những người yêu thích có thể đăng ký để được trải nghiệm dù lượn ngắm nhìn miệng núi lửa từ trên cao cùng bức tranh thiên nhiên độc đáo mùa lễ hội.
Ông Đức cho biết thêm, để đảm bảo an toàn bay, Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Câu lạc bộ Dù lượn Hà Nội tổ chức khảo sát nhảy dù lượn trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya. Sau khi bay thử, các phi công nhận định, Chư Đăng Ya là địa điểm rất thuận lợi để phát triển môn thể thao dù lượn từ đường sá, thời tiết, lượng gió và đặc biệt là khung cảnh đẹp rất đặc trưng của cao nguyên trải rộng bên dưới. Bay dù lượn từ trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya là một trong những hoạt động hứa hẹn mang đến sự mới mẻ và hấp dẫn du khách trong Lễ hội hoa dã quỳ năm nay.
Anh Trần Mạnh Cường, du khách đến từ Kon Tum chia sẻ: “Mặc dù bận rộn công việc nhưng mỗi dịp tổ chức lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya cả gia đình đều thu xếp để xuống thưởng lãm. Nó đã trở thành thói quen mỗi độ hoa dã quỳ bừng nở. Lễ hội năm nay đặc sắc hơn mọi năm ở các phần thi và trải nghiệm bay dù lượn dành cho du khách, rất là hay”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, lễ hội năm nay diễn ra từ 11 – 17.11, nhưng các hoạt động văn hóa, lễ hội chủ yếu diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11-13.11) với những nội dung, chương trình hấp dẫn, có sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, bà con, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thương nhân trong và ngoài huyện.
“Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Đây cũng là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, các hoạt động văn hóa, lịch sử đến du khách; qua đó, kêu gọi thu hút đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Do đó, BTC không ngừng nỗ lực làm mới sự kiện, khẳng định thương hiệu riêng cho lễ hội”, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhấn mạnh.
Tuần lễ hoa dã quỳ là dịp để bà con Ja Rai, Bahnar ở vùng đất này giới thiệu, quảng bá các sản vật đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên với các món ăn dân dã như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mỳ, cà đắng, thịt nướng…; đặc sản địa phương như cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, rau sạch, cá thát lát sông Sê San, nấm, mật ong, miến dong riềng, bột dong riềng, khoai lang Chư Đăng Ya…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm