Thị trường hàng hóa
Ông Phan Đăng Khánh - Phó Tổng giám đốc Công ty Vinexad chia sẻ rằng, doanh nghiệp này vừa tổ chức thành công Tuần lễ Thái Lan 2022 tại TP. Hồ Chí Minh - khởi đầu cho loạt hội chợ, triển lãm mà doanh nghiệp sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm sau gần 2 năm “đóng băng”.
“Mặc dù mới chính thức khởi động lại nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo được số lượng triển lãm tương đương thời điểm trước dịch với khoảng 10 triển lãm. Theo đó, ngay sau Tuần lễ Thái Lan 2022, vào ngày 11/8 tới chúng tôi có Triển lãm quốc tế thực phẩm - đồ uống Việt Nam lần thứ 26 và Triển lãm thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm - đồ uống Việt Nam lần thứ 26 (Vietfood & Beverage - Propack 2022). Diễn ra song song với triển lãm này, chúng tôi còn có Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 (Vietnam Medi-Pharm Expo 2022 in HCM City)”- ông Phan Đăng Khánh cho biết.
Cũng như Vinexad, bà Nguyễn Thị Lam Hà - đại diện Công ty THHH MTV dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi (VEAS) - cho hay, ngay khi Việt Nam mở cửa cho du khách quốc tế đến Việt Nam doanh nghiệp này đã xúc tiến mở lại một số triển lãm. Thành quả là tuần trước VEAS đã tổ chức thành công 2 triển lãm đầu tiên, trong đó có một triển lãm chuyên ngành chăn nuôi và một triển lãm chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa.
Bà Hà cho biết, sắp tới đây, doanh nghiệp này còn lần đầu tiên tổ chức triển lãm China Homelife Vietnam với sự tham gia của hơn 150 nhà sản xuất, cung ứng hàng đầu Trung Quốc, giới thiệu các sản phẩm thuộc 4 ngành hàng chính gồm gia dụng, điện tử tiêu dùng, dệt may, vật liệu xây dựng - nội thất.
Các chuyên gia trong ngành này cho biết, kể từ khi Việt Nam và nhiều quốc gia khác ban hành những chính sách để khôi phục kinh tế thì việc tổ chức triển lãm và sự đã có những tín hiệu tích cực. Tuy vậy các triển lãm quốc tế hiện chủ yếu tập trung ở hai thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh, ở các địa phương khác dù có nhưng không nhiều. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - nơi tổ chức các triển lãm quy mô quốc tế ghi nhận, kể từ tháng 5 tới nay luôn “sáng đèn” với những cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế lớn nhỏ diễn ra liên tục. Các triển lãm tập trung vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, cà phê, nông- thủy sản, chăn nuôi, dệt may, y dược… Đáng chú ý, so với trước dịch, số lượng triển lãm không giảm - cho thấy ngành tổ chức triển lãm đã và đang từng bước được “hồi sinh” sau 2 năm phải ngủ đông. Theo bà Thượng Mỹ An - Tổng giám đốc của Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), số lượng các triển lãm và sự kiện tổ chức tại SECC đã dần tăng lên, phủ các tuần của tháng.
Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan nhưng theo ghi nhận thực tế của các đơn vị tổ chức triển lãm thì quy mô diện tích, số lượng doanh nghiệp và khách tham qua chưa thể như trước dịch. Cụ thể, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, các triển lãm thuê mặt bằng tổ chức đã giảm quy mô còn một nửa. Thậm chí với những triển lãm mà nhà trưng bày chủ yếu đến từ Trung Quốc thì diện tích còn bị thu hẹp xuống chỉ còn 1/3 diện tích so với trước đây.
“So với trước dịch, số lượng triển lãm của chúng tôi không giảm nhưng quy mô gian hàng và số lượng doanh nghiệp tham gia chỉ đạt 70% so với trước dịch”- ông Phan Đăng Khánh - Phó Tổng giám đốc Công ty Vinexad chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân chưa thể hút khách trở lại như trước dịch, ông Khánh cho biết, Trung Quốc là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia triển lãm ở Việt Nam khá đông. Tuy vậy quốc gia này vẫn đang thực hiện chính sách Zero Covid nên đã hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó ông Khánh kỳ vọng từ năm 2023 trở đi ngành tổ chức triển lãm sẽ sôi động hơn.
Có thể thấy để ngành tổ chức triển lãm trở lại thời hoàng kim như trước dịch sẽ còn mất thêm một thời gian nữa. Và trong khoảng thời gian nảy, các đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, ngoài nỗ lực mở lại các cuộc trực tiếp sẽ mở rộng thêm theo hình thức online nhằm thu hút khách hàng ở những quốc gia chưa thể tới dự được.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm