Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
18:00 10/10/2022

Nay mai sợ vắng tiếng khèn

Nơi biên giới huyện Nậm Pồ (Điện Biên), có những người đàn ông người Mông nhiều năm qua vẫn miệt mài lưu truyền lại tiếng khèn cho thế hệ sau.

Nghệ nhân khèn Mông Hờ A Pàng - bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ.

Với họ, giữ tiếng khèn chính là giữ hồn văn hóa của dân tộc mình.

Nỗi lo hồn cốt phai mờ

Với đồng bào Mông, tiếng khèn chính là linh hồn, là bản sắc của dân tộc. Theo quan niệm của người Mông, con gái phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa. Còn con trai phải biết thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ tình cảm, tâm tư nguyện vọng của mình...

Trong các nghi lễ, lễ hội, khèn mang ý nghĩa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm hồn, tín ngưỡng truyền thống, bản sắc của dân tộc. Trong cưới hỏi, tiếng khèn như thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng. Còn trong nghi lễ tang ma, tiếng khèn cất lên để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố.

Khèn có ý nghĩa quan trọng với đời sống đồng bào Mông như vậy, thế nhưng, gần đây, những giai điệu réo rắt khi trầm, khi bổng của khèn có dấu hiệu mai một ngay cả ở những nơi người Mông chiếm đa số.

Sự phát triển có phần ồn ào của đời sống xã hội đã khiến tiếng khèn nhiều lúc, nhiều nơi bị “lép vế”. Nhiều người trẻ đã không có cơ hội tiếp xúc hoặc không còn mê đắm với điệu khèn của dân tộc mình.

“Làm gì để tiếng khèn, hồn cốt của người Mông trường tồn và mãi vang xa” đang là nỗi lo và là trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa ở Nậm Pồ, đặc biệt là những nghệ nhân mang trong mình dòng máu của đồng bào Mông giàu bản sắc.

Nghệ nhân Hờ A Pàng (thứ 3 bên trái) truyền dạy khèn Mông cho giới trẻ.

Truyền lửa đam mê

Trên sân khấu của Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ lần thứ nhất được tổ chức gần đây, nghệ nhân Hờ A Pàng lại có dịp say sưa múa khèn. Đây không phải là lần đầu ông Hờ A Pàng biểu diễn trên sân khấu.

Đã gần chục năm nay, từ các hội diễn ở Trung ương, khu vực miền núi phía Bắc, các sự kiện văn hóa của tỉnh Điện Biên hay ngay tại huyện Nậm Pồ nơi ông sinh sống, nghệ nhân này đều góp mặt với tiết mục múa khèn.

Vẫn là điệu múa khèn truyền thống của đồng bào Mông, nhiều động tác được lặp đi lặp lại nhưng mỗi lần lên sân khấu, nhiệt huyết của người nghệ nhân này vẫn luôn cháy bỏng, đam mê.

Ông biểu diễn như thể đó là lần cuối cùng tiếng khèn trên tay ông được cất lên những thanh âm mê đắm. Tuổi đã ngoài 60 nhưng tiếng khèn của ông vẫn tràn đầy nội lực, điệu múa thì vẫn dứt khoát, khỏe khoắn, cảm xúc như tuổi mới đôi mươi.

Nhiều người, đặc biệt là đồng bào Mông mỗi khi thả hồn theo những giai điệu réo rắt cất lên từ cây khèn của ông Pàng thì đều như thấy mình được trở về với nguồn cội và thấy rõ ràng hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Sân khấu dù ở bất cứ đâu, với ông Pàng, đó là nơi, là dịp để ông lan tỏa tình yêu khèn với cộng đồng, đặc biệt là với đồng bào dân tộc mình. Nhiều năm nay, ông Pàng buồn bởi nhận ra một điều rằng, tiếng khèn, văn hóa khèn của dân tộc mình đang có phần mai một.

Đi biểu diễn ở nhiều nơi, kể cả vào những vùng đông đúc người Mông sinh sống tìm được người trẻ đam mê, có tâm huyết học thổi khèn, múa khèn đã không dễ chút nào.

Tại các thôn, bản vùng cao, con em người Mông đều đến lớp, xuống trường học cái chữ hoặc đi làm xa. Người ở nhà thì còn mải lao động sản xuất lo cuộc mưu sinh. Bởi vậy, tiếng khèn cứ bặt vắng dần và điều này khiến ông Pàng băn khoăn, trăn trở.

Cũng đau đáu nỗi niềm tìm lớp kế cận để đào tạo cho am hiểu về khèn, biết thổi khèn, giữ lại cái “hồn” của người Mông nên chỉ cần có dịp vui chơi, lễ Tết, hội xuân, ông Lầu A Chư (xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ) lại mang khèn đến. Ở cái tuổi ngoài 60, ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng ông Lầu A Chư thì không như vậy.

Ông vẫn đến với những phiên chợ, hội xuân, sân chơi đông người với mong muốn để tiếng khèn được vang xa. Mỗi lần biểu diễn, tiếng khèn được vang lên là ông thêm hy vọng về thế hệ trẻ sẽ nuôi dưỡng tình yêu với khèn. Rồi hi vọng có thêm người tìm đến ông để học.

“Bản sắc dân tộc về cái khèn thì không thể bỏ được. Ngày xưa, Tết hay có tiếng khèn, tiếng sáo, cả tiếng khèn lá, đó là điều rất quan trọng. Tôi mong muốn giúp cho con cháu học để giữ được bản sắc dân tộc, phong tục tập quán của người Mông chúng ta”, ông Lầu A Chư nói.

Nghệ nhân Hờ A Pàng (ngoài cùng bên trái) biểu diễn khèn Mông tại Ngày hội văn hóa được tổ chức vào thượng tuần tháng 9 tại huyện Nậm Pồ.

Quyết tâm gìn giữ

Với nỗ lực quảng bá, truyền dạy của những người như ông Chư, ông Pàng đã có nhiều người trẻ ở Nậm Pồ nhận thức được tầm quan trọng của khèn trong văn hóa, đời sống của chính dân tộc mình. Dẫu biết rằng, am hiểu về khèn, thông thạo thổi khèn và biết múa khèn không dễ, nhưng tình yêu văn hóa dân tộc sẽ sớm hình thành những lớp trẻ kế cận tinh thông.

Anh Mùa A Dồng, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, bộc bạch: “Tiếng khèn rất quan trọng với dân tộc Mông mình. Nó là bản sắc đặc trưng, rất riêng. Khi nói đến tiếng khèn thì người ta phải nói đến dân tộc Mông. Tôi cảm thấy là giới trẻ như mình cần phải tìm hiểu, học hỏi để không bị mất đi bản sắc”.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc trên địa bàn nói chung, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó phải kể đến các lễ hội xuân được tổ chức tại 15/15 xã, lễ hội Gầu Tào tại xã Nà Bủng – nơi có 100% dân tộc Mông sinh sống. Mới đây, địa phương này đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc sôi nổi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong mỗi dịp lễ hội như vậy, là người con của đồng bào Mông, vừa là công chức văn hóa xã hội, anh Mùa A Phiềng đã xây dựng đội văn nghệ quần chúng với các hạt nhân tiêu biểu. Họ là những người am hiểu về văn hóa dân tộc. Trong đó, không thể thiếu tiết mục của nghệ nhân thổi khèn.

“Bản thân tôi cố gắng làm sao tìm hiểu những nghệ nhân tiêu biểu nhất để cho vào đội văn nghệ của xã, mời họ tham gia dự hội. Khèn được lồng ghép trong giao lưu văn nghệ, để thế hệ trẻ thấu hiểu được bản sắc của dân tộc mình. Từ đó người ta mới chú tâm giữ gìn bản sắc dân tộc”, anh Mùa A Phiềng, công chức Văn hóa - Xã hội xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ cho biết.

“Khèn là bảo bối của nhà mình, các thế hệ đi trước truyền cho thế hệ sau. Ông bà, bố mẹ lại truyền cho con cháu. Mình cũng phải truyền cho con cháu trong nhà. Phải cố gắng tạo điều kiện, một năm dạy thêm 2 - 3 người. Mình coi như là ông già trong bản rồi, mình phải truyền cách chơi khèn cho thế hệ sau thôi. Chính vì vậy mà khi có cơ hội là mình mang khèn đi gọi xem ai muốn học thì sẽ dạy”, ông Hờ A Pàng tâm sự.

 

Đọc thêm

Xem thêm