Thị trường hàng hóa
Do vậy, thời gian qua UBND huyện đã tổ chức nhiều hội thảo du lịch, mong muốn những chuyên gia, doanh nghiệp có những giải pháp đầu tư, định hướng phát triển du lịch tại địa phương.
Huyện Tu Mơ Rông là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum. Nơi đây có những Thác nước Đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông xã Đắk Na, thác Y Hai xã Măng Ri, hồ Ba Khen xã Văn Xuôi; hồ thủy điện Đăk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na, điểm săn mây đỉnh đèo Văn Rơi…
Bên cạnh đó, ẩm thực nơi đây hết sức hấp dẫn với nhiều món ăn độc lạ như thịt trâu gác bếp, cơm nấu ống, gà nấu sâm dây, cá bống đuôi đỏ… Đặc biệt, Tu Mơ Rông được biết đến là vùng đất sâm Ngọc Linh, loại dược liệu đặc hữu chỉ có trên núi Ngọc Linh. Hiện huyện đã và đang từng bước xây dựng các tour về miền quốc bảo, leo núi chinh phục núi Ngọc Linh, du lịch tham quan vườn trồng “quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Mặc dù có những thác đẹp, có điểm đặc biệt là nơi có “vườn quốc bảo” nhưng tất cả những tiềm năng đó chưa được khám phá, khai thác hiệu quả. Tại nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến thì hầu hết các chuyên gia, các đơn vị quản lý du lịch đều cho rằng Tu Mơ Rông nên lựa chọn du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, du lịch cộng đồng… là hướng đi chủ đạo trong định hướng phát triển du lịch của huyện nhà.
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho biết, Tu Mơ Rông có núi non hùng vĩ, hệ sinh thái rừng tự nhiên hết sức đa dạng với các loài sinh vật đặc hữu, đã tạo cho địa phương có những tiềm năng, lợi thế so với các vùng miền khác để phát triển du lịch. Lý tưởng nhất là khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên trong lành, gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng cao Tây Nguyên. Những tiềm năng, lợi thế này là tiền đề để huyện khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch sâm cộng đồng.
“Du lịch sâm ra đời sẽ gắn với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Du lịch sâm và phát triển sâm phải đi đôi song hành cùng nhau. Khi đến tham quan vùng sâm du khách sẽ nghĩ đến tỉnh Kon Tum nói chung và huyện “Tu Mơ Rông nói riêng. Du khách vừa nghi dưỡng, vừa sử dụng sâm Ngọc Linh để bồi dưỡng sức khỏe. Điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành trồng sâm công nghiệp chế biến, chuỗi giá trị từ cây sâm phát triển”, ông Long cho biết.
Mới đây nhất, phát biểu tại Hội thảo Tiềm năng và giải pháp triển du lịch huyện Tu Mơ Rông, PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Việt Nam cho rằng, Tu Mơ Rông có nét văn hóa “độc nhất vô nhị” với 95% người đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Cùng với rừng và đặc biệt là quốc bảo sâm Ngọc Linh sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển. Tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông phải có chương trình rất đặc biệt nhằm tạo ra cơ đồ, tầm vóc, đẳng cấp mang đến sự khác biệt để du lịch Tu Mơ Rông không chỉ ở Việt Nam và vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Linh Kon Tum cho biết, đơn vị đã thực hiện tour du lịch lên Tu Mơ Rông tham quan vườn sâm được 2 năm và có trải nghiệm khá thu vị. Tuy nhiên, mô hình du lịch này cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, đường sá đi lên thăm vườn sâm Ngọc Linh còn rất xấu, khó khăn cho việc đi lại, địa phương cần lưu tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, khi đến vườn sâm dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm cuộc sống văn hóa nơi đây còn hạn chế. Về vấn đề này, huyện cần xây dựng mô hình chuẩn, nâng cấp các dịch vụ đồng thời tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, đối với tầm nhìn phát triển du lịch của địa phương hiện nay huyện đã và đang xây dựng đề án du lịch để lấy ý kiến các nhà khoa học, các Sở ngành và có sự tham gia đóng góp ý kiến của Viện phát triển Du lịch châu Á.
“Trên cơ sở đề án, huyện sẽ mời các HTX du lịch trên địa bàn ngồi lại bàn bạc hướng tổ chức, phát triển du lịch trong thời gian tới. Song song với đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch như: Tổ chức liên hoan cồng chiêng, liên hoan ẩm thực, tập huấn nguồn nhân lực làm du lịch trên địa bàn. Tập trung đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên trong lành, gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng cao Tây Nguyên. Dần đưa Tu Mơ Rông trở thành điểm đến du lịch, tham quan lý tưởng cho du khách mỗi khi đến với Kon Tum”, ông Mạnh cho biết thêm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm