Thị trường hàng hóa
Theo Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nghề làm Tàu hũ ky tại xã Mỹ Hòa được khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa từ đầu thế kỷ XX, khi họ đến sinh cơ lập nghiệp tại xã Mỹ Hòa.
Theo thời gian cùng sinh sống, dần dần người Việt trong xóm cũng đã theo nghề, hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng trong tỉnh và vùng phụ cận ưa chuộng vì danh tiếng và chất lượng.
Nghề làm Tàu hũ ky có tín ngưỡng cúng ông lò vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng, phẩm vật gồm con gà luộc, trái cây, trà bánh,... tất cả được bày trên mâm, đặt ngay trên thành bếp lò. Chủ lò cầu nguyện phù hộ được làm ăn thuận lợi, bán buôn suôn sẻ, cầu mong các mẻ nấu được tốt, không bị hư, cầu cho người trong lò được “lành tay lành chân”.
Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, làng nghề được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau bằng cách truyền nghề theo kinh nghiệm và kỹ năng của người nghệ nhân. Tàu hũ ky Mỹ Hòa luôn gìn giữ hương vị truyền thống, vì vậy mang đến cho người tiêu dùng không chỉ những sản phẩm có chất lượng mà còn có phảng phất đâu đó cái hồn và nét văn hóa đặc trưng của những nghệ nhân làm nên sản phẩm. “Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng nghề chưa bao giờ bị mất đi mà ngày càng phát triển và bảo đảm được cuộc sống cho hàng trăm người dân lao động nơi đây”- vị đại diện Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Cũng theo vị đại diện này, hiện nay làng nghề vẫn giữ đúng quy trình sản xuất, từ khâu ngâm đậu, tách vỏ, xay đậu, nhồi đậu, nấu nước đậu, vớt váng đậu (Tàu hũ ky), hong gió, đóng gói. Một số công đoạn đã được làm tự động, thay thế thủ công để đảm bảo về an toàn thực phẩm. Có công thức riêng trong từng công đoạn để có được từng miếng Tàu hũ ky sao cho nguyên vẹn, độ dày đạt chuẩn và màu sắc đẹp. Sản phẩm chất lượng, thu hút được người tiêu dùng. Các chủ lò tăng sản lượng, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Ghi nhận những giá trị của làng nghề, năm 2013, Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Năm 2017, làng nghề đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long và hiện tại, làng nghề đang có 32 hộ, mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn sản phẩm.
Đến ngày 4/8/2022, “Nghề làm tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1832/QĐ-BVHTTDL. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự đối với các hộ dân làng nghề làm tàu hũ ky mà còn là niềm vui lớn đối với người dân, các ngành, các cấp của tỉnh Vĩnh Long.
Phát biểu tại lễ công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm Tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” chiều 3/4, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết: Trải qua hàng trăm năm với biết bao đổi thay về điều kiện sống, điều kiện lao động và nhu cầu ẩm thực của nhân dân, làng nghề dù có cải tiến quy trình và công cụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất nhưng vẫn giữ cái hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ hàng trăm năm.
“Niềm vinh dự khi được vinh danh không chỉ khẳng định nghề làm Tàu hũ ky là một di sản có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, cộng đồng; không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ mang tính cộng đồng trong lao động của người dân tỉnh Vĩnh Long”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh khẳng định.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống “Nghề làm Tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”, các cấp, các ngành có liên quan tại Vĩnh Long cần: Lan tỏa giá trị của di sản gắn với quy hoạch phát triển du lịch, làm phong phú và đa dạng thêm không gian văn hóa cho địa phương; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm; mở rộng thị trường hoạt động, xây dựng thương hiệu cho làng nghề; số hóa hoạt động quản lý di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững…
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm