Thị trường hàng hóa
Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 7 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị.
Đơn cử, từ đầu tháng 3, do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, cùng với nhiều lệnh cấm vận dầu khí của Hoa Kỳ và các nước EU đối với Nga và lệnh cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng của Nga... đã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới. Nhiều nhân tố địa chính trị, kinh tế khác cũng tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Chưa kể, giá USD và giá vàng tiếp tục có biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD. Những yếu tố này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa ở thị trường nội địa.
Trong nước, do tháng 7 là tháng cao điểm của mùa hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm. Trong tháng 7, mặt hàng xăng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông nghiệp như thịt lợn, thức ăn chăn nuôi tiếp tục có xu hướng tăng so với tháng trước, giá thịt lợn ở mức cao có nguy cơ ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 485.984,4 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Ước tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm đạt 3.205.838,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt (tăng 13,7%.
Đối với một số mặt hàng quan trọng trong giỏ hàng hóa, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, thời gian qua, giá thịt lợn đã có biến động theo chiều hướng tăng.
Để bình ổn giá mặt hàng này, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực tăng nguồn cung. Tính đến cuối tháng 6, cả nước đã có 24,2 triệu con lợn, tăng 3,8% so với cùng kỳ; đàn lợn giống có 3,2 triệu con, tăng gần 2% so với cùng kỳ. Như vậy, nguồn cung thịt lợn có tăng so với năm ngoái.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Giá lợn giống cũng tăng, ảnh hưởng trực tiêp đến giá thịt lợn. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát khiến nhu cầu du lịch gia tăng, các nhà hàng hoạt động bình thường, nhu cầu thực phẩm tăng cao. Chưa kể, việc tái đàn ở một số địa phương cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều người dân gặp khó về vốn.
“Chưa kể, giá thịt lợn của Trung Quốc cũng tăng cao, lên đến 46% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng thẩm lậu qua biên giới” – ông Phạm Văn Duy nói.
Đối với xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định, thị trường xăng dầu thời gian tới còn biến động rất phức tạp và có nhiều thông tin tác động trực tiếp đến nguồn cung, giá cả như chiến sự Nga - Ucraina, thông tin châu Âu cắt giảm khí đốt, các phân tích liên quan đến áp giá trần của Nga… Thời gian qua, Petrolimex đã mời một số nhà cung cấp nước ngoài để cung cấp xăng dầu cho Tập đoàn từ giờ đến cuối năm, song không có nhà cung cấp nào dám khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ lượng mà Petrolimex yêu cầu.
Những ngày gần đây, giá xăng dầu có biến động bất thường, tăng giảm khó dự đoán. Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng đến giao dịch mặt hàng xăng dầu, tác động đến mặt hàng này trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo thị trường hàng hóa thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng nên sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, giá mặt hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng của thị trường một số nước lân cận và chi phí sản xuất nên giá sẽ tiếp tục có biến động tăng, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm (nhóm hàng có tỷ trọng tiêu dùng lớn). Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ ngành đã có những chỉ đạo kịp thời và sẽ nỗ lực áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, giá các hàng hóa sẽ không có đột biến, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.
Đối với mặt hàng thịt lợn, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định sẽ làm tốt các việc như kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, liên kết chuỗi... để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thị trường thịt lợn.
Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cũng xác định sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Đối với xăng dầu, dù thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều vấn đề khó đoán, song ông Trần Ngọc Năm cho rằng, về cơ bản, nguồn cung sẽ ổn do đến giai đoạn này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động với 110% công suất, tính ổn định cao. Nhà máy Nghi Sơn cũng dần chuyển sang trạng thái hoạt động tương đối ổn. Đây là cơ hội để các nhà máy đạt được kết quả tốt khi chi phí lọc dầu đang cao, góp phần giúp chủ động ổn định nguồn.
Chưa kể, ngoài Petrolimex, các doanh nghiệp khác cũng đang tích cực tìm những nhà cung cấp quốc tế để đa dạng hóa nguồn hàng cho mọi tình huống xảy ra. Cho nên việc đảm bảo nguồn từ nay đến cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
“Petrolimex đánh giá cao sự điều hành của liên Bộ Công Thương – Tài chính trong việc khi giá có xu hướng giảm thì giảm và bù vào quỹ bình ổn xăng dầu. Đây là dư địa tốt cho việc bình ổn giá trong thời gian tới” – ông Năm cho hay.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm