Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh ghi nhận, tính chung quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2023 ước đạt 14.213,5 tỷ đồng, tăng 23,84% và doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.594,7 tỷ đồng, tăng 31,61% so với cùng kỳ.
“Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 3 và quý 1 giữ được sự ổn định và hoạt động khá nhộn nhịp. Sức mua hàng hoá của người dân ngày càng tăng cao, thị trường giá cả hàng hóa ổn định, không có tăng giá đột biến, cũng như tình trạng găm hàng hóa được cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, chống gian lận thương mại, hàng giả, kiểm soát chặt chẽ. Các nhóm ngành dịch vụ, du lịch lữ hành đạt doanh thu khá, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm khu vực này”, cục Thống kê Hà Tĩnh nhận định.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ trong tháng 3 ước đạt 4.580,39 tỷ đồng, tăng 4,80% so với tháng trước và tăng mạnh 25,38% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có chỉ số doanh thu biến động mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô con tăng 20,21% nhưng so với thời điểm này năm trước giảm sâu với mức 32,41%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 10,12% so với tháng trước và tăng 32,73% so với cùng kỳ; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 8,46% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 19,73% (nhóm xăng dầu các loại tăng đến 35,99%).
Tính chung quý I năm 2023, doanh thu bán lẻ ước đạt 14.213,5 tỷ đồng, tăng rất cao 23,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm sâu so với cùng kỳ là nhóm ô tô và phương tiên đi lại (lần lượt giảm ở mức 27,86% và 31,85%), nguyên nhân như đã nói ở trên. Còn lại các nhóm hàng khác đều có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ.
Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 32,08%; hàng may mặc tăng 45,55%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 40,98%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 34,07%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 29,36%; xăng dầu các loại tăng 38,64%; nhiên liệu khác tăng 18,92%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 31,11%; hàng hóa khác tăng 17,57%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1/2023 ước đạt đạt 1.594,66 tỷ đồng, tăng 31,61% so với cùng kỳ, trong đó: Lưu trú đạt ước 56,21 tỷ đồng, tăng 49,19% so với cùng kỳ; lượt khách phục vụ 296,8 nghìn lượt, tăng 39,43%; ngày khách phục vụ 226.027 ngày, tăng 20,76% so với cùng kỳ năm trước; ăn uống ước đạt 1.529,72 tỷ đồng, tăng 30,30% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 8,73 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, hoạt động dịch vụ, du lịch trong quý I/2023 nhìn chung giữ được sự ổn định, hoạt động khá nhộn nhịp, doanh thu cao hơn so với quý trước và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lượng khách du lịch tăng lên rất nhiều, tăng chủ yếu là khách du lịch tâm linh, vãn cảnh đầu xuân. Đối với hoạt động ăn uống do trùng vào mùa cưới hỏi, các ngày lễ tết Dương lịch, Âm lịch, tổng kết năm, ngày lễ tình nhân 14/02, ngày Quốc tế phụ nữ 08/3 nên nhu cầu ăn uống, đặt tiệc tăng.
Các dịch vụ du lịch trên địa bàn tiếp tục được đầu tư phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ du lịch Hà Tĩnh như tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh; Trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành; khu nhà nghỉ container Xuân Thành; Công viên nước Vinpearl Water Park Cửa Sót...
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Tĩnh, thông thường sau kỳ nghỉ Tết là giai đoạn thấp điểm của thị trường bán lẻ do nhu cầu mua sắm của người dân hạn chế. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khi các hoạt động du lịch nhộn nhịp hơn sẽ góp phần tạo đà sôi động cho thị trường bán lẻ. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới với các chương trình ưu đãi kích cầu của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ có nhiều khởi sắc. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm