Thị trường hàng hóa
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII, năm 2022” do Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức đã thực hiện chương trình khảo sát các tuyến điểm du lịch trên địa bàn 6 tỉnh Việt Bắc với sự tham gia của hơn 80 đại biểu đại diện cho Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí.
3 đoàn khảo sát đã tìm hiểu, thị sát 3 tuyến du lịch vùng Việt Bắc gồm: tuyến 1 “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”, lộ trình Hà Nội - Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Trùng Khánh, Bảo Lạc (Cao Bằng) - Hà Giang - Lâm Bình (Tuyên Quang) - Hà Nội; tuyến 2 “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, lộ trình Hà Nội - Thái Nguyên - Ba Bể (Bắc Kạn) - Bắc Mê (Hà Giang) - TP Hà Giang (Hà Giang) - Lâm Bình (Tuyên Quang) - Hà Nội; tuyến 3 “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”, lộ trình: Hà Nội - Tân Trào (Tuyên Quang) - Yên Minh, TP Hà Giang (Hà Giang) - Lâm Bình (Tuyên Quang) - Hà Nội.
Phó chủ tịch CLB lữhành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty CPDL quốc tế MTV Việt Nam Đoàn Ngọc Tùng, Trưởng đoàn khảo sát 1 cho biết: “Qua khảo sát tại Lạng Sơn và Cao Bằng, đặc biệt là việc kết nối các di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Cao Bằng với Lạng Sơn, Tuyên Quang có thể khẳng định, những địa phương này có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch vùng Việt Bắc. Hằng năm có hàng triệu khách du lịch tới 6 tỉnh Việt Bắc và sau khi du lịch được khởi động trở lại, khu vực này cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất vì những lợi thế vềthiên nhiên, văn hóa độc đáo và ẩm thực phong phú. Tôi cho rằng đây sẽ là tuyến du lịch có thể tạo sự đột phá vềđiểm đến và tour, tuyến trong thời gian tới”.
Ông Đinh Cao Trí, Phó giám đốc An Thái Travel (TP.HCM) cho rằng: “Mặc dù còn nhiều khó khăn vềhạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, cơ sở lưu trú nhưng nhìn chung, du lịch vùng Việt Bắc có sức hút rất lớn đối với khách miền Nam. Lâu nay, khách khu vực miền Nam đã quá quen với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên- Nam Trung Bộ nên nhu cầu đi các điểm du lịch mới rất cao. Đặc biệt, với những vùng biên cương xa xôi, nơi khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc như: Thác Bản Giốc (Trùng Khánh, Cao Bằng), cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)... càng có ý nghĩa thiêng liêng, thậm chí là yếu tố quan trọng khiến khách đưa ra quyết định cho chuyến đi. Khách cũng rất thích những trải nghiệm khác biệt, khám phá văn hóa dân tộc, tìm hiểu vùng đất mới ở Việt Bắc”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất với các tỉnh Việt Bắc là giao thông. Hiện nay, cảkhu vực chưa có sân bay nào, chủ yếu di chuyển bằng đường bộ. Đi lại giữa các tỉnh như Cao Bằng - Hà Giang mất tới 7-8 tiếng đồng hồ, đường nhiều đèo, dốc, mặt đường xấu, thiếu trạm dừng nghỉ... nên gây khá nhiều mệt mỏi cho khách. Bên cạnh đó, mặc dù ẩm thực trong vùng phong phú nhưng các nhà hàng, người dân chưa biết cách chế biến nhiều món ăn, đổi món cho du khách. Đi cảtuyến bữa nào cũng có món gà luộc vịt quay, thịt lợn nướng hoặc khâu nhục... chưa nhiều các món ăn địa phương được sử dụng cho bữa sáng và bữa chính.
Theo đại diện các công ty du lịch ở các vùng miền trên toàn quốc, tài nguyên du lịch vùng Việt Bắc có nhiều đặc thù, khác biệt vì thế công tác xây dựng sản phẩm cần tập trung kết nối để hình thành tuyến điểm đặc trưng. Trong đó, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch xanh, bền vững gắn với bảo tồn di tích, di sản, giữgìn môi trường; tăng trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, khai thác các loại hình du lịch khác.
Ông Trần Tấn Điền Giám đốc TADI Travel chia sẻ: “Trước khi đại dịch xảy ra, khi tôi đưa khách đến vùng này, khách châu Âu, nhất là khách Anh rất thích. Có những tour Cao Bằng- Hà Giang, 10 ngày 9 đêm tôi bán 7.000 USD, khách phản hồi rất tốt, có những khách trở lại nhiều lần. Sau dịch Covid-19, việc Việt Nam mở cửa sớm, quy định phòng chống dịch đơn giản là một lợi thế rất lớn để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hiện nay chúng tôi đang tích cực kết nối với các thị trường nước ngoài để sớm đưa khách đến vùng Việt Bắc trở lại. Với thị trường nội địa, khách ở khu vực miền Trung, miền Nam rất thích vùng Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc.... nên những lợi thế trong vùng, những tiềm năng vềtự nhiên, văn hóa hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt, đột phá so với các khu vực khác.
Để các tour, tuyến lên vùng Việt Bắc ổn định, thúc đẩy du lịch phát triển nhanh trong thời gian tới ông Điền cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động liên kết, hình thành các liên minh để bán chung tour, dịch vụ. Chạy định kỳ tuyến này trong tuần hoặc hằng ngày để khách có thói quen đi lại, dựa vào đó để xây dựng kế hoạch chuyến đi. Có thể thời gian đầu chưa có khách ngay, thậm chí doanh nghiệp có thể lỗ nhưng một thời gian sau chắc chắn tuyến này sẽ đông dần lên.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vì hiện nay trong vùng còn thiếu nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân, điểm mua sắm. Sản phẩm hiện nay sơ sài, ít dịch vụ phụ trợ, giá đắt vì dịch vụ thiếu nên khó cạnh tranh với các trung tâm du lịch lớn.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội đềnghị hình thành các nhóm liên minh bán sản phẩm vùng Việt Bắc. Mời các doanh nghiệp tham gia các đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, các chương trình roadshow giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, hình thành thương hiệu du lịch của vùng. Đồng thời liên kết với các tổ chức để tổ chức các lớp đào tạo chung cho nhân lực du lịch các địa phương trong vùng để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả, đạt chất lượng đồng đều. Đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, cung cấp dữ liệu, thông tin cho khách hàng; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm; tăng cường quản lý nhà nước qua công nghệ số.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho rằng, nếu cứ từng tỉnh tự làm, tự xây dựng sản phẩm, tự quảng bá, tự tìm kiếm và phát triển du lịch thì rất khó. Vì thế, việc liên kết vẫn hết sức quan trọng. Tiềm năng, tài nguyên phát triển du lịch của vùng Việt Bắc hiện nay rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Vùng có nhiều đồng bào dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao... sinh sống, màu sắc văn hóa đậm đặc. Thiên nhiên trong vùng vừa hùng vĩ, vừa tươi đẹp, Hà Giang có cao nguyên đá, Cao Bằng có công viên địa chất non nước, Lạng Sơn có núi Mẫu Sơn, Bắc Kạn có hồ Ba Bể... Đặc biệt, Việt Bắc gắn với quá trình hình thành và phát triển cách mạng Việt Nam rất đặc sắc: ATK Định Hóa, ATK Tân Trào, Chợ Đồn...
Ông Phạm Duy Hưng cũng thừa nhận, du lịch trong vùng còn kém phát triển, hạ tầng thiếu thốn, chất lượng dịch vụ hạn chế, nguồn nhân lực thiếu và yếu... Ông Hưng cho rằng muốn phát triển du lịch phải phát triển hạ tầng giao thông, việc này cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành. Đến nay, Lạng Sơn đã có cao tốc, Bắc Kạn cũng sẽ hoàn thành hơn 35 km cao tốc để kết nối giao thông trước. Bên cạnh đó, cần phải có các quy hoạch, thậm chí quy hoạch liên vùng để có các điểm dừng chân phù hợp. Việc xây dựng tour, tuyến gắn với thực tiễn, đa dạng với sự phối hợp của các tỉnh trong vùng và các công ty lữhành. Ví dụ hình thành các tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang với tour hành trình theo chân Bác, các tour vềnguồn độc đáo sẽ hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.
Ông Hưng đề xuất các tỉnh kết nối ngay với app du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch và xây dựng app chung của 6 tỉnh thì khách du lịch sẽ tiếp cận điểm đến, tìm kiếm thông tin dễ hơn. Ông mong rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến các tỉnh Việt Bắc và có các dự án tâm huyết, phát triển xanh, bền vững ở đây.
Trước dịch Covid-19, mỗi năm khách lên với các tỉnh Việt Bắc khoảng 10 triệu lượt khách nội địa và 1 triệu lượt khách quốc tế. Rõ ràng, giữa tiềm năng với số lượng khách thực tế đón được thì vẫn còn nhiều vấn đề. (Ông VŨ THẾ BÌNH, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam) |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm