Thị trường hàng hóa
Mục tiêu cụ thể của Đề án: 100% thiết chế văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả, 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ, phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% thôn vùng đồng bào Cơ Tu được hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng và trang bị các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. 60-70% công chức các xã Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Ninh học và sử dụng tiếng Cơ Tu khi giao tiếp cộng đồng người Cơ Tu. Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá và truyền thông về giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu; chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; chính sách hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ đi sản văn hoá và người có uy tín trong cộng đồng; chính sách về mở rộng giao lưu văn hoá; chính sách bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hoá truyền thống...
UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở VHTT TP là cơ quan thường trực giúp UBND thành phố triển khai thực hiện đề án, nghiên cứu đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong công tác bảo tồn và truyền dạy đi sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Phối hợp các sở ngành, UBND quận huyện vận động đồng bào bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào tham gia giao lưu ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch với các dân tộc ở các địa phương, vùng, miền.
Giao Sở Du lịch TP tổ chức các đoàn khảo sát điểm du lịch văn hoá, cộng đồng của người đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối với Hiệp hội du lịch thành phố, các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng trong và ngoài nước, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học phổ biến kiến thức chung về văn hoá truyền thống đồng bào Cơ Tu dưới hình thức một môn học hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khoá; Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật vận động hội viên tham gia các hoạt động sưu tầm, sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu...
Theo báo cáo từ Sở VHTT Đà Nẵng: Dân số thành phố Đà Nẵng hiện nay là 1.161.430 người, trong đó có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số. Tuy nhiên chỉ có đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Hòa Vang) còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, với quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch cùng với những yếu tố khách quan trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu đã nảy sinh những hạn chế nhất định, cần có những giải pháp trọng tâm. Đồng thời, bước sang giai đoạn mới, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội cùng những chuyển biến của nội tại cộng đồng Cơ Tu trên địa bàn thành phố, tất yếu cần có những chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu phù hợp, đồng bộ, tổng thể và mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa của đồng bào cũng như hài hòa với con đường phát triển chung của thành phố trong giai đoạn mới.
Trong nội dung đề án, UBND TP Đà Nẵng cũng giao cho UBND huyện Hoà Vang chủ trì, phối hợp với Sở VHTT, các sở ban ngành xây dựng thiết chế văn hoá truyền thống phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và truyền thống văn hoá của cộng đồng dân tộc Cơ Tu trên địa bàn. Định kỳ tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn. Tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, vận động công tác xã hội hoá đầu tư vào các thiết chế văn hoá của đồng bào dân tộc. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm