Thị trường hàng hóa
Theo Quốc lộ 1A, đến khoảng Km1019, thuộc thị trấn Núi Thành (H. Núi Thành - T. Quảng Nam), theo ĐT 618 khoảng 10 km rồi qua một con phà (hay đò ngang) ở cửa sông Kỳ Hà là tới xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, T. Quảng Nam), nơi có ghềnh đá Bàn Than được xem là “kỳ quan” ở các tỉnh duyên hải miền Trung.
Chúng tôi đến ghềnh đá Bàn Than vào những ngày giữa tháng Sáu. Trưa, nắng lấp lánh trên bãi cát vàng óng, gió lao xao “lượn” trên những tán dừa bao quanh xã đảo.
Đây là địa phương có vị trí địa lý rất đặc biệt khi bốn bề được bao bọc bởi sông và biển với những xóm làng hiền hòa ẩn trong rặng dừa xanh, cuộc sống quanh năm làm nghề chài lưới của người dân càng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho du khách đến đây trải nghiệm sự dân dã, mộc mạc.
Song, hòn đảo này đã được đưa vào khai thác du lịch từ khá sớm nhưng chưa hiệu quả, phần lớn là do giao thông còn “phà giang cách trở”.
Tham quan ghềnh đá Bàn Than với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của những tảng đá có màu đen tuyền huyền bí với nhiều hình dáng ẩn hiện dưới những cơn sóng bạc đầu.
Trên bề mặt của những ghềnh đá đen, có nơi nổi lên những đường vân kỳ dị màu trắng hay những “hạt đá” màu trắng, vàng khảm trên nền đá đen trông rất độc đáo cùng với những “hoa văn họa tiết” trông khá huyền bí. Trời và biển nơi đây một màu xanh nhức mắt.
Đặc biệt nhất là hai tảng đá “Ông Đụn – Bà Che” từ lâu đã trở thành huyền thoại của vùng ghềnh đá này. Rất tiếc, tảng Bà Che hiện nay đã bị sập, mất đi cổng đá từng thu hút rất đông các bạn trẻ đến trải nghiệm, check-in những bức ảnh độc đáo dưới “cổng đá”.
Lại thêm những tảng đá ở đây khá đặc biệt với “thiên hình vạn trạng”, kích thước đa dạng, màu sắc hầu hết là xám đen, một số tảng hơi xanh, có tảng lại ngả sang màu đỏ. Nhiều chỗ có kết cấu sỏi kết tạo thành những triền đá như được “dát vàng, đính ngọc”. Du khách có cảm giác nơi đây giống như một công viên địa chất thu nhỏ…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm