Thị trường hàng hóa
Số lượng thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép qua các tháng năm 2022 liên tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam ước đạt 9,62 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 4/2022, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 2,02 tỷ USD, tăng 17,0% so với tháng 4/2021.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường xuất khẩu chính có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Với những tín hiệu tích cực về sự phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch, theo nhận định, người dân Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng thời gian tới, trong đó có mặt hàng giày dép.
Trong số các thị trường xuất khẩu giày dép, xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất 3,16 tỷ USD, chiếm 43,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu tới thị trường này đạt 904,41 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng 3/2022 và tăng 29,0% so với tháng 4/2021.
Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt trên 1,77 tỷ USD, chiếm 24,6%, tăng 18,9%; Tiếp sau đó là thị trường Bỉ chiếm 7,4% trong tổng kim ngạch, đạt 543,91 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. Ngành da giày tuy chỉ chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp, 0,8% vốn sản xuất - kinh doanh, 1% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chiếm tỷ trọng cao hơn về doanh thu (1,6%), lợi nhuận trước thuế (1,8%). Sự phát triển của ngành da giày đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Theo nhận định, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình như, giày dép có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020. Thậm chí, đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi. Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường xuất khẩu chính có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Theo nhận định, với những tín hiệu tích cực về sự phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đại dịch người dân Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho tiêu dùng thời gian tới, trong đó có mặt hàng giày dép.
Hiện Trung Quốc và Việt Nam là 2 nguồn cung giày dép chính vào Mỹ, chiếm 70,4% tổng trị giá nhập khẩu. Nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc và Việt Nam vào Mỹ tăng lần lượt là 54,8% và 2,5% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, mặc dù nhập khẩu giày dép của Việt Nam vào Mỹ tăng trong quý I/2022, nhưng tỷ trọng giày dép của Việt Nam tại Mỹ lại giảm xuống 24,7% trong quý I/2022 từ mức 33,1% trong quý I/2021. Ngược lại, tỷ trọng giày dép của Trung Quốc tại Mỹ tăng lên 45,7% từ mức 40,5%. Điều này cho thấy, hàng giày dép của Trung Quốc đang dần chiếm ưu thế tại Mỹ.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 ở mức cao, nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2022, toàn ngành da giày đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 23-25 tỷ USD, tăng 10-15% so với năm 2021.
Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài. Ngoài ra, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm so với cùng kỳ năm trước, cần lưu ý để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm này.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN