Thị trường hàng hóa
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 8/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 nghìn tấn, trị giá 4,75 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 18% về trị giá so với tháng 7/2022, nhưng so với tháng 8/2021 giảm 35% về lượng và giảm 27,8% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 34,68 nghìn tấn, trị giá 70,68 triệu USD, tăng 57,9% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Anh đạt mức 2.125 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 11,1% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Anh đạt mức 2.038 USD/tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 3 chủng loại cà phê sang Anh gồm: cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang Anh đạt trên 31 nghìn tấn, trị giá 61 triệu USD, tăng 80,7% về lượng và tăng 117,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 162 tấn, trị giá 701 nghìn USD, tăng 1.295,9% về lượng và tăng 1.199% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến đạt 4,16 triệu USD, tăng 12,3%.
Số liệu thống kê từ ITC, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam trong 6 đầu năm 2022 đạt 40,66 nghìn tấn, trị giá 90,75 triệu USD, tăng 147,9% về lượng và tăng 212,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng mạnh từ 16,33% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 29,92% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Như vậy có thể thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (Hiệp định UKVFTA) đã hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam mở rộng thị phần tại Anh. Với sự phục hồi kinh tế của Anh, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết thị hiếu tiêu dùng cà phê ở Vương quốc Anh có sự khác biệt rõ ràng so với các nước châu Âu khác. Cà phê hòa tan là chủng loại cà phê được người tiêu dùng Anh ưa chuộng nhất. Các thương hiệu cà phê hòa tan hàng đầu tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn so với các nhãn hiệu cà phê mới xay của họ.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường Anh có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Để xuất khẩu cà phê sang Anh ổn định, ngành cà phê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này. Bên cạnh đó, sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Anh.
Để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định UKVFTA, doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường Anh, chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nắm bắt công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường Anh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.
Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Anh, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.
Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới với thị phần 14,2%. Hiện nay, Việt Nam có 97 nhà máy chế biến cà phê nhân với năng suất 1,5 triệu tấn/năm, 160 cơ sở rang xay, 8 cơ sở cà phê hòa tan và 11 cơ sở pha chế cà phê. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN