Thị trường hàng hóa
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến sự gia tăng số lượng doanh nghiệp. Cụ thể, tính chung năm 2021, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 119.800, tăng 17,8% so với năm 2020, phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.
Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước, 48.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%, 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể “cầm cự" trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy có 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dịch tác động trên diện rộng khiến nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Thực trạng trên được chỉ rõ trong báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2021 của Vụ Thống kê Dân số và Lao động. Theo đó, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhờ nguồn năng lượng dồi dào, thị trường nhân công giá rẻ… Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chưa khai thác được hết tiềm năng đó. Do đó, nếu muốn tồn tại, phát triển thích ứng trong tình hình mới theo nghị quyết của Chính phủ và tầm nhìn hướng đến toàn cầu hoá, các công ty cần sáng tạo để đổi mới tất cả mọi thứ.
Tại hội thảo "Diễn đàn Kinh tế và Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và tự chủ", ông Choi Bong Sik, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa và nhỏ tại Việt Nam, đã đưa ra những phương pháp thực chiến giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của việc đổi mới, sáng tạo trong chiến lược quản lý. Ông cho rằng công thức để thành công của các doanh nghiệp bao gồm 3 chữ S, theo thứ tự Strategic Management - Strategic Planning - Strategic Partner.
Trong đó, yếu tố quan trọng đầu tiên vị chuyên gia này đề cập đến là Strategic Management, có nghĩa là quản lý chiến lược, bao gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị, quản lý chi phí... Trong thị trường kinh tế đầy cam go hiện tại, công tác thiết lập văn hoá doanh nghiệp đặc biệt cấp thiết. Nó là tổng thể vĩ mô của các giá trị và niềm tin của tổ chức.
Cụ thể, doanh nghiệp cần có chiến lược quản lý để chủ doanh nghiệp và các thành viên ở mọi vị trí trong công ty đồng thuận rằng “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của bản thân" dựa trên việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp phải coi văn hóa là một phần trong chiến lược phát triển, chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và người lao động bằng niềm tin, làm sao để khi công ty gặp khó khăn, nhân sự không rời bỏ.
Tuy nhiên, làm được điều đó không dễ, đòi hỏi ban lãnh đạo phải quan tâm, đảm bảo sinh kế và quyền lợi của nhân viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tạo được động lực để người lao động tin rằng môi trường mình đang làm việc thực sự tôn trọng con người, giúp họ phát huy sáng kiến, thể hiện kỹ năng lao động và đó phải là nơi công bằng, tuân thủ pháp luật.
Trong thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, tại nhiều doanh nghiệp, các nhân sự chấp nhận “ba tại chỗ” khi sắp xếp hợp lý công việc gia đình. Với nhân sự có con nhỏ không ai trông hay cha mẹ ốm cần chăm sóc sẽ được sắp xếp làm việc từ xa. Dù làm việc từ xa hay trực tiếp, nhân sự phải đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc. Muốn làm được điều đó, đội ngũ lãnh đạo phải chú ý tạo mọi điều kiện để nhân viên có thể làm chủ công việc, tạo ra tư tưởng một khi doanh nghiệp sụp đổ hoặc ngừng sản xuất tức là không duy trì được sinh kế; góp phần duy trì tổ chức là trách nhiệm xã hội cũng như nuôi sống chính bản thân và gia đình.
Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chấp nhận các giá trị của doanh nghiệp đối với các thành viên, và có ảnh hưởng lớn đến việc xác định năng lực của công ty đó. Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp, hiểu được văn hoá doanh nghiệp lành mạnh là gì, nên phát triển nó như thế nào.
Bên cạnh đó, ông Choi Bong Sik cũng đề cao hai yếu tố hoạch định chiến lược (Strategic Planning) và đối tác chiến lược (Strategic Partner). Trong đó, với yếu tố khách hàng và thị trường của doanh nghiệp, công ty cần kiến tạo được giá trị dành cho khách hàng. Các doanh nghiệp nên đặt mục tiêu “khách hàng là vua" lên hàng đầu. Theo chuyên gia, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam đó là chưa nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ lõi, trong khi công nghệ lõi là lợi thế cạnh tranh quan trọng không kém việc xây dựng văn hoá đối với một doanh nghiệp.
Trong giai đoạn hiện nay, phần lớn nhân sự ngày càng trở nên hoài nghi với giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn hướng đến. Do vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt giống như bàn đạp từ bên trong thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Một công ty mạnh thường có nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt và ngược lại.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN