Thị trường hàng hóa
Tại Hội nghị trực tuyến "Triển khai Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại", Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu cho thấy đến ngày 30/06/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/06/2022, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 8,51%. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 0,84 điểm phần trăm, tương đương gần 700.000 tỷ đồng được đẩy ra ngoài thị trường.
Kể từ đầu tháng 7, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố con số lợi nhuận có tín hiệu khả quan trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,6% tại thời điểm 30/6/2022.
Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), thông báo rằng trong 6 tháng đầu năm doanh thu ngân hàng đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng; các công ty thành viên đạt doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 13% lợi nhuận toàn tập đoàn.
Đồng thời, tính đến 30/6/2022, lợi nhuận quý II của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I. Lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Eximbank ước tính, ngân hàng đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Dù chưa có con số cụ thể, nhưng Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt thương Việt Nam (Vietcombank), ông Phạm Mạnh Thắng dự báo Vietcombank có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chấp nhận giảm lãi hỗ trợ khách hàng. Trong 5 tháng đầu năm, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 30%. Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, huy động vốn tăng 9%, dư nợ tín dụng tối đa tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.
Đại diện Vietcombank cho biết, tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng ấn tượng. Hiện nay, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng trên thị trường chưa tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.
Theo kết quả điều tra Xu hướng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tháng 6/2022, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 được nhiều TCTD nhận định “tăng” hơn so với 6 tháng cuối năm 2021 và cùng kỳ các năm 2020-2021, nhưng vẫn thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2019 (thời kỳ trước dịch bệnh Covid-19). Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực.
Tương tự năm 2021, “diễn biến tăng trưởng kinh tế”, “thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của khách hàng”, “cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu”, “diễn biến lãi suất” và “chất lượng phục vụ của đơn vị được cải thiện” là những nhân tố tiếp tục được nhiều TCTD kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022. Trong khi “diễn biến lãi suất” và “thị trường bất động sản” được nhiều TCTD dự báo là những nhân tố chính có thể dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu tín dụng của khách hàng trong năm 2022.
Chuyển sang 6 tháng cuối năm 2022, các TCTD dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình áp dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó, nhóm khách hàng doanh nghiệp được tập trung “nới lỏng” và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Đồng thời, các TCTD dự kiến giảm bớt “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi vẫn giữ xu hướng “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN