Thị trường hàng hóa
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô có khoảng 90.500 lao động trực tiếp và khoảng 207.500 lao động gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, các quốc gia thực hiện chính sách đóng cửa biên giới, cùng với tâm lý e ngại của khách du lịch đối với vấn đề an toàn y tế đã khiến cho hoạt động du lịch của các quốc gia trên thế giới bị "đóng băng" và du lịch của thành phố Hà Nội cũng không ngoại lệ.
Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho thấy, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.
Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50-90%.
Anh Nguyễn Việt Anh, một hướng dẫn viên khách inbound (khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) phải chuyển sang nghề lái xe Grab từ nhiều tháng nay để kiếm sống, do công việc hướng dẫn viên quốc tế gần như không có.
“Rất nhiều hướng dẫn viên đã phải chuyển nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có người làm lái xe công nghệ, không ít người thử sức trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, bảo hiểm, bán hàng trực tuyến trên mạng...”, anh Việt Anh cho biết.
Trong khi đó, ở góc độ lữ hành, Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho hay, kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhân sự của công ty đã giảm 25%; Một số người được điều chuyển sang làm ở bộ phận khác.
Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, mặc dù công ty không bị khủng hoảng về nhân sự, nhưng để đối phó với tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp phải chuyển đổi, sắp xếp lại nhiều vị trí cho phù hợp, như bộ phận xây dựng sản phẩm tour quốc tế chuyển sang làm tour nội địa, người bán hàng chuyển sang điều hành tour…
“Đây là giai đoạn rất khó khăn của ngành du lịch. Hao hụt nhân lực là thực trạng chung của các đơn vị, đòi hỏi tất cả phải thay đổi chiến lược quản lý, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Việc phải cho nhiều lao động ngành du lịch tạm thời nghỉ việc, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tạm thời đóng cửa gây ra hệ lụy lâu dài cho ngành Du lịch thành phố Hà Nội sau khi hoạt động du lịch được khôi phục trở lại. Đó là sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao do phải chuyển đổi công việc.
Trước thực trạng biến động của nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo động lực cho họ tâm huyết, gắn bó lâu dài với nghề.
Theo đó, trước tiên cần phải đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; Đẩy mạnh liên kết và hợp tác quốc tế với các tổ chức giáo dục du lịch ngoài nước và các tổ chức quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cao năng lực giáo dục và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; Trong đó quan tâm đổi mới phương thức, chương trình và học liệu dạy và học đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới để dạy và học.
Đồng thời, TP tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội; Chủ động đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) cho nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. Trong đó, TP tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục du lịch và doanh nghiệp du lịch trong Thành phố với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín nước ngoài; Tăng cường hợp tác với các tổ chức du lịch khu vực và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao...
Với những giải pháp nêu trên, hi vọng trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ nhanh chóng khắc phục những khó khăn, đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực, đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch ở địa phương trong cả nước, thích ứng với điều kiện, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN