Thị trường hàng hóa
Tại Việt Nam, thị trường lao động, việc làm đang ngày càng phân hóa theo hai xu thế. Đó là nhóm kỹ năng thấp - lương thấp và nhóm kỹ năng cao - lương cao. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động có trình độ thấp, mà cả lao động bậc trung nếu họ không được trang bị các kiến thức, kỹ năng sáng tạo để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và doanh nghiệp.
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng trên 50 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn chính là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt rất thấp khoảng 25 - 30%. Chỉ số kỹ năng có tăng những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức rất thấp, có khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội, dự báo khi phục hồi nền kinh tế thích ứng linh hoạt, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu lao động có kỹ năng sẽ tăng cao. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đó là đào tạo theo các chương trình chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh cao. Tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những rủi ro như đại dịch Covid-19...
Hiện, có khoảng 80% doanh nghiệp đã chủ động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực lao động. Điều này thể hiện việc doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc liên kết với các cơ sở giáo dục bên ngoài để đào tạo nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm trễ.
Có 80% các doanh nghiệp biết đến công nghệ đặc thù trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng có tới khoảng 40% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về nhân lực. Khoảng 40% đang xây dựng kế hoạch, chỉ có khoảng 20% là đã có kế hoạch và đang triển khai, có kết quả. Đây là một sự hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực thi những chính sách đào tạo nghề ở một số cơ sở đào tạo vẫn chưa bảo đảm về chất lượng. Trong quá trình tuyển sinh và giáo dục, đào tạo, việc bảo đảm chất lượng đầu vào ở một số trường, chủ yếu là trường trung cấp, cao đẳng vẫn chưa bảo đảm về chất lượng. Đa phần người học là học sinh tốt nghiệp THPT do hoàn cảnh gia đình nên chọn những trường học như vậy để tìm cho bản thân có một ngành nghề nhất định.
Ngoài ra, do thi trượt đại học muốn tìm một trường nào đó vào học chờ thời gian năm tới để thi tiếp. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng trong quá trình giáo dục, đào tạo.
Mặt khác, các trường trung cấp, cao đẳng không tổ chức thi tuyển, mà chủ yếu là xét tuyển với các đối tượng, bậc học khác nhau, không có sự thống nhất về mặt bằng cấp, vào học được phân ra các chuyên ngành khác nhau. Điều này, cũng ảnh hưởng phần nào đến việc thực hiện chính sách đào tạo nghề.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Tuy nhiên tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn khi bị tác động từ đại dịch Covid-19 trong thời gian qua. Do đó, nhiều doanh nghiệp, người lao động trong đó lực lượng thanh niên chiếm đa số bị ảnh hưởng trực tiếp từ hai yếu tố trên. Vì thế, nhu cầu về đào tạo nghề của thanh niên đã trở thành cấp thiết nhằm đáp ứng với cách mạng công nghiệp và tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo kết quả khảo sát, công tác báo cáo hàng tháng, quý, năm của tổ chức Đoàn Thanh niên, trong năm 2020, có gần 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm nhưng chỉ có khoảng 60% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Hiện, có một thực tế đó là các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.
Mỗi năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, nhưng số lượng phù hợp và có năng lực làm việc thực sự trong doanh nghiệp công nghệ còn rất ít. Năng lực chuyên môn và khả năng thực thi mới là những yếu tố quan trọng đối với nhân sự ngành công nghệ thông tin, chứ không phải bằng cấp.
Ở Việt Nam, quá trình đào tạo và dạy nghề của các trường, các trung tâm, các tổ chức… chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong ngành. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt về nhân sự chất lượng.
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, tài chính... Không ít người lao động thất nghiệp, mất việc làm hay phải chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa. Cùng với đó, hiện tượng di cư lao động tại các thành phố lớn đã gây ra sự bất ổn trên thị trường lao động...
Theo số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng trong năm 2021 khoảng 18 triệu người.
Với những phân tích này, thị trường lao động có sự thay đổi lớn về nguồn cung và nguồn cầu. Cách mạng 4.0 đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, có trình độ phù hợp với ngành, nghề cần tuyển dụng để đạt tiêu chuẩn tuyển dụng và mức lương cao. Do đó đòi hỏi người lao động mà chủ yếu là thanh niên phải chủ động học nghề, bổ sung chuyên môn nhằm đáp ứng những đòi hỏi của xã hội.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều trường, trung tâm đào tạo nghề đang có đội ngũ lãnh đạo chỉ đạo, giáo viên, trang thiết bị, giáo trình… chưa bắt kịp với công nghệ 4.0. Đồng thời, chưa có sự cập nhật, thay đổi cho phù hợp với sự dịch chuyển nguồn lao động và nhu cầu cần đào tạo nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN