Thị trường hàng hóa
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) - AI là sự "tư duy" của máy móc, trong đó các thiết bị sẽ bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề. Từ khái niệm tưởng chừng xa xôi, trí tuệ nhân tạo từng bước đi vào đời sống, hiện thực hóa giấc mơ về những loại máy móc có khả năng tư duy như con người.
Mặc dù thuật ngữ AI chỉ mới thịnh hành ở Việt Nam trong vài năm gần đây, nhưng dường như AI đang ở ngay xung quanh chúng ta, hỗ trợ âm thầm trong cuộc đời sống hằng ngày. Với sự phát triển của các dịch vụ số hiện tại, người dùng nhiều khi đã tiếp xúc với công nghệ AI nhưng không nhận ra. Ví như từ hộp thư điện tử, camera giao thông đến lĩnh vực giáo dục... đều đã có sự hiện diện của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, tại Việt Nam AI đang là làn sóng mới, hứa hẹn thay đổi bộ mặt của các doanh nghiệp có ứng dụng AI cũng như của nền kinh tế đất nước. Các tên tuổi công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã bắt tay vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI cho các sản phẩm của mình, tạo ra những kết quả đáng kể.
Hiện tại, lĩnh vực giáo dục có những hệ thống ứng dụng AI để đồng hành, hỗ trợ từng học viên. Nhờ đó, công việc của các giáo viên trở nên nhẹ nhàng hơn, khi trong mỗi lớp có tới 50, 60 học viên.
AI cũng đang hỗ trợ đắc lực ở lĩnh vực giao thông. Xe tự lái bằng AI tự động tránh người, tự động tránh vật cản đang được sử dụng trong khu đô thị Ecopark. Tại TP Hồ Chí Minh, AI giúp giám sát camera giao thông, điều chỉnh tín hiệu đèn. Còn trên phạm vi toàn quốc, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục đường bộ đặt hàng hiện theo dõi khoảng một triệu xe khách, xe kinh doanh vận tải. Đây là hệ thống giám sát hành trình có phạm vi lớn nhất thế giới, và nếu không có sự hỗ trợ của AI, việc giám sát này sẽ trở nên bất khả thi.
Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng AI cũng được coi là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện. Những năm qua, Bộ Y tế Việt Nam luôn quan tâm, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nói chung và AI nói riêng trong các chuyên khoa, chuyên ngành y học và trong công tác quản lý. Có thể kể đến, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 TP. Hồ Chí Minh là 2 bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Và gần đây, có thêm Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) - bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Bắc, đã triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này. Như vậy, ngoài Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sở hữu bản quyền phần mềm AI này....Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng AI trong giải mã gene, xây dựng bản đồ gene người Việt…
Trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Như vậy, AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.
Mặc dù ứng dụng AI đang là xu thế tất yếu và có nhiều tiềm năng lớn như vậy, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy, Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức để phát triển lĩnh vực này. So với các nước đi đầu công nghệ AI như Nhật Bản, châu Âu, chúng ta đi sau rất nhiều, các nhóm nghiên cứu của chúng ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa kết hợp với nhau để tạo ra sản phẩm lõi cho AI. Thêm nữa, tại Việt Nam, nhiều cộng đồng AI đã hình thành, phần lớn do tư nhân tự làm. Các tập đoàn lớn như FPT, Vingroup, CMC đang nghiên cứu, phát triển AI phục vụ các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, các cộng đồng AI hiện chưa kết nối với nhau. Bởi vậy, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh “... Chúng ta chỉ có thể phát triển được trí tuệ nhân tạo nếu tập hợp được sức mạnh của con người và dữ liệu. Các doanh nghiệp cần chia sẻ dữ liệu với nhau để cùng phát triển”.
Đồng quan điểm đó, TS Tạ Hải Tùng-Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, chỉ có thể bằng hình thức cộng đồng, Việt Nam mới có thể phát triển được mạng lưới ứng dụng AI mạnh của người Việt, đủ sức "đấu lại" với những ứng dụng của nước ngoài.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đối với thị trường AI nội địa, với vai trò vừa là người tiêu dùng lớn nhất, vừa là tác nhân có trách nhiệm dẫn dắt, phát triển nền kinh tế đất nước, Nhà nước ta cần là nhà đầu tư chiến lược vào những thành phần trí tuệ nhân tạo cốt lõi của quốc gia. Trước mắt là đầu tư xây dựng một cách công phu, bài bản Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia phù hợp nhất với Việt Nam. Chiến lược này cần bao gồm việc xác định đúng quy mô, thị trường AI Việt Nam theo kỳ vọng và xây dựng các chính sách tạo động lực tăng cường quy mô thị trường AI Việt Nam theo kỳ vọng đó.
Sự kiện Ngày hội AI4VN vừa qua là dấu mốc giúp hình thành cộng đồng AI tại Việt Nam, nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế-xã hội trọng yếu, như: y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp... Đồng thời tạo động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN