Thị trường hàng hóa
Thống kê vừa công bố của Savills Hotels cho thấy, tính đến tháng 2, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong những quý tới.
Số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án (8.200 phòng) năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022. Nếu như trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,... thì hiện nay, các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn… ) cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo Savills Hotels, từ quý I/2022, nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang mạnh dạn tái khởi động hoạt động kinh doanh, triển khai các kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và thúc đẩy marketing để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế. Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới.
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành của IHG, khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc, nhận định, ngành du lịch tại Việt Nam đang hồi phục và sẽ bật dậy mạnh mẽ. Theo dữ liệu STR, công suất phòng lưu trú của Việt Nam trong tháng 2 đã tăng 47% so với năm ngoái, đây là một thay đổi rất lớn.
“Xuất phát từ nhu cầu du lịch bị dồn nén, chúng tôi nhận thấy hoạt động du lịch quốc tế hồi phục mạnh mẽ ở một số nơi như TP.HCM và Hà Nội”, ông Sukumaran đánh giá. Những tín hiệu cho thấy cho sự trở lại của các chặng bay trung và dài xuất phát từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Ông Ignacio Martin, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Meliá Hotels International, cho rằng tiềm năng phát triển rất lớn ở Việt Nam, nhất là ngành khách sạn hạng sang.
Mặc dù nhiều tiềm năng, song thị trường khách sạn đang cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels APAC, lưu ý, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia.
Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN