Thị trường hàng hóa
Nói đến TikToker là người dân tộc thiểu số (DTTS), không thể không nhắc đến cái tên Chảo Thị Yến (dân tộc Dao ở Bát Xát, Lào Cai). Bắt đầu thành lập trang TikTok cá nhân từ tháng 7.2021, đến nay, kênh của Yến đã có hơn 165.000 lượt theo dõi và 3,2 triệu lượt thích. Chia sẻ cơ duyên đến với công việc làm nội dung trên nền tảng mới mẻ này, Yến vui vẻ cho biết: “Trở về nhà sau quãng thời gian dài làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ, tôi thấy thanh thiếu niên quê mình có tâm lý không muốn đi học, lại rất thích lướt TikTok nên quyết định lập kênh riêng để kể câu chuyện về quá trình du học của mình, qua đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác. Nhận thấy chưa có nhiều người làm nội dung quảng bá văn hóa vùng cao và DTTS, tôi quyết định phát triển luôn nội dung về lĩnh vực này”.
Không quá cầu kỳ, Chảo Thị Yến chọn cách khai thác giản dị để mỗi clip toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người Dao. Giản dị nhưng không có nghĩa nhàm chán, những chủ đề như chữ viết, ăn Tết, trang phục truyền thống, trải nghiệm văn hóa... đều được Yến khai thác qua lời kể hóm hình, qua đố lôi cuốn và giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa vùng sơn cước. Mỗi clip của cô thu hút hút được từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu lượt xem. “Văn hóa của đồng bào DTTS luôn chứa đựng những giá trị tốt đẹp. Nếu không được đẩy mạnh quảng bá, những giá trị ấy sẽ thiếu sức lan tỏa và dần mai một. Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa của bà con. Do đó, việc làm clip quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người dù chỉ lướt điện thoại vẫn có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao; tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Xa hơn là đưa văn hóa DTTS Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, Chảo Thị Yến bày tỏ.
Cũng là một trong số những TikToker người DTTS, Nguyễn Hoài Thương (dân tộc Tày), bằng kênh TikTok Thảo Nguyên Farmer đã sáng tạo nhiều nội dung mang đậm chất văn hóa của người Tày ở Hà Giang. Những câu chuyện về nghi thức Tảo mộ, ăn Tết Đoan Ngọ, hành trình lên nương, văn hóa ẩm thực... đều được bạn chia sẻ qua những clip hết sức dung dị, đời thường. Nói không với giật gân, câu view, kênh TikTok của Thương “hút khách” bởi câu chuyện về chính quê hương mình. “Từ hành trình lên nương mỗi ngày, tôi muốn đưa những “đặc sản” Hà Giang đến gần hơn với người miền xuôi. Tôi cố gắng tìm lối dẫn dắt thật sinh động, mới mẻ để kết nối văn hóa giữa các vùng miền, xoá bỏ suy nghĩ rằng văn hóa của bà con trên này là điều gì đó rất xa xôi”, Hoài Thương tâm sự.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “TikTok là kênh truyền thông rất được giới trẻ mến mộ. Việc một số TikToker trẻ tuổi làm nội dung quảng bá văn hóa vùng miền, DTTS chứng tỏ thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với văn hóa dân tộc, chỉ là chúng ta chưa biết cách khơi dậy tình yêu đó. Việc làm này đang giúp những giá trị truyền thống của nước nhà có thêm sức sống trong bối cảnh mới”.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Đây là tài sản vô giá của dân tộc. Nếu biết cách phát huy, khối tài sản ấy không chỉ giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn lan toả giá trị sang những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. “Đã có nhiều giải pháp để thực hiện điều này nhưng sự xuất hiện của TikTok đã giúp chúng ta có thêm phương tiện để làm tốt hơn, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của một bộ phận bạn trẻ làm clip về nội dung này. Họ đã trở thành cầu nối, đưa văn hóa vùng miền, DTTS đến gần hơn với người xem. Cách làm như vậy rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng. Việc tăng cường quảng bá văn hóa trên không gian mạng còn là cách để chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu và có thêm nhiều người nhận thức đúng đắn, hành vi tích cực với văn hóa đất nước. Bất kỳ ai không có trong mình kiến thức về văn hóa quốc gia đều là những “bản sao mờ” thiếu sức sống, vong bản của văn hóa nước ngoài”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Để những nội dung này được nâng cao chất lượng, PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam lưu ý, khi làm clip các bạn trẻ phải trung thực và nêu bật được yếu tố chân - thiện - mỹ. “Cần tránh lạm dụng khai thác những yếu tố nhạy cảm trong văn hóa của đồng bào, đặc biệt là những điều cấm kỵ. Vẫn biết tâm lý của khán giả luôn muốn được xem khám phá những điều mới lạ, nhưng nếu đưa thông tin sai sẽ gây hiểu lầm, nguy hiểm hơn là tạo nên tâm lý kỳ thị văn hóa. Hơn nữa, với những clip thiếu khách quan, mục đích câu like, các TikToker cần dũng cảm lên tiếng phê phán để bảo vệ những điều tốt đẹp của dân tộc mình”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN