Thị trường hàng hóa
Kết quả rõ rệt là làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam “nở rộ” với sự ra đời của nhiều mô hình mới, sáng tạo, hút được lượng vốn đầu tư lớn.
Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã đạt 1.800 startup, tăng hơn 4 lần. Và trong hai năm 2017-2018, đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 startup. Chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2019. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm, như: FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh. Trong khi đó, các yếu tố tạo nên sự thành công của startup bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước.
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, vừa quan Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 đã diễn ra với hơn 3.000 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia cao cấp trong nhiều lĩnh vực, các nhà đầu tư, doanh nghiệp… và hơn 100 diễn giả tham dự. Sự kiện này trở thành cầu nối, mang những người tiên phong và những startup tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam để các startup Việt Nam có được những cái nhìn và trải nghiệm đa dạng.
Tại Diễn đàn, các vấn đề xoay quanh việc đổi mới sáng tạo hướng đến tính bền vững. Trong đó có chủ đề “Hành tinh và những thành phố của chúng ta-Sự sáng tạo ở mức độ cơ sở hạ tầng” và “Các tổ chức và cuộc sống của chúng ta-Sự sáng tạo ở cấp độ con người”.
Với những thông tin đa dạng và kinh nghiệm thực tế phong phú đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, nhà đầu tư, Diễn đàn lần này không chỉ đặt ra vấn đề mà còn tìm ra lời giải và hướng đi thích hợp cho các lĩnh vực lớn về môi trường, thành phố thông minh, di động và hậu cần, khoa học đời sống, tương lai của việc làm, công nghệ người tiêu dùng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN