Thị trường hàng hóa
Chia sẻ khó khăn sau dịch bệnh
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Vì thế, học phí là nguồn thu chính của trường. Tuy nhiên, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp. “Chúng tôi muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch Covid-19”, GS, TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.
Theo ông Chương, mức học phí đang thấp hơn chi phí đào tạo thực tế. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, 3 - 4 năm qua, trường không cần tuyển thêm cán bộ hành chính. Ngoài ra, trong thời gian sinh viên học trực tuyến vì Covid-19, nhiều hoạt động hoãn hoặc không thể tổ chức; chi phí đào tạo trực tuyến cũng không lớn bằng trực tiếp. "Do đó, trường đã tiết kiệm được một khoản ngân sách tương đối lớn, có thể hỗ trợ sinh viên về mặt học phí thêm một năm. Từ năm học 2023 - 2024, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng học phí không quá 10%”, ông Chương nói.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết không tăng học phí trong năm học này. Đây là năm thứ 3 liên tiếp trường giữ nguyên mức học phí đối với tất cả ngành đào tạo, cụ thể: 46,6 triệu đồng/năm đối với các chương trình trình độ đại học, thạc sĩ; riêng ngành Bảo trì và Kỹ thuật Hàng không, mức học phí là 97,86 triệu đồng/năm.
Theo Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trước tác động của đại dịch Covid-19, trường quyết định giữ nguyên mức học phí hiện tại nhằm chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các sinh viên theo học tại trường.
Tương tự, năm học 2022 - 2023, ĐH Ngoại thương cũng không tăng học phí với các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế như: Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số dự kiến 60 triệu đồng; các chương trình khác thuộc nhóm này là 40 triệu đồng/năm. Với 3 nhóm chương trình còn lại, học phí tăng nhẹ, chỉ 5 - 10%.
Ngày 20/9, PGS, TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã ký thông báo về việc không tăng học phí năm học 2022 - 2023. Trước đó, nhà trường quyết định áp dụng mức học phí mới kể từ năm học 2022 - 2023.
Theo PGS, TS Nguyễn Xuân Phương, sau 2 năm đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của gia đình sinh viên sụt giảm. Ngoài ra, thực hiện khuyến nghị của Bộ GD&ĐT về việc các trường ĐH công lập không tăng học phí, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh quyết định tạm dừng để đồng hành, chia sẻ với phụ huynh và sinh viên. Theo đó, năm học 2022 - 2023, nhà trường giữ nguyên mức học phí như năm học trước, cụ thể: Chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH là 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao trình độ ĐH là 770.000 đồng/tín chỉ. Đối với sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, nhà trường trừ phần chênh lệch vào học phí ở học kỳ tiếp theo.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nha Trang cho biết, năm học 2022 - 2023, trường tạm thời giữ nguyên mức học phí như năm học trước. Học phí được tính theo tín chỉ với mức 220.000 - 370.000 đồng/tín chỉ tùy theo môn học. “Quyết định không tăng học phí là để chia sẻ khó khăn chung của xã hội sau thời gian dịch bệnh. Đặc biệt, khu vực tuyển sinh chủ yếu của trường ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Trường sẽ cân đối các khoản chi phí đầu tư cơ sở vật chất, thắt lưng buộc bụng để vượt qua khó khăn", ông Phương giải thích. Ngoài chưa áp dụng mức học phí mới, ĐH Nha Trang còn cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và miễn phí ký túc xá cho sinh viên theo học nhóm ngành thủy sản.
Chưa ban hành chính sách học phí mới nhưng theo ông Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (ĐH Đà Lạt), quan điểm của trường là không tăng học phí năm nay. Ông chia sẻ, hiện học phí của ĐH Đà Lạt phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ, thuộc mức thấp so với mặt bằng chung. "Trung bình học phí chỉ khoảng 6 triệu đồng/học kỳ", ông Duy nói. Trường đang thí điểm 2 ngành chất lượng cao nhưng vẫn thu học phí như hệ đại trà.
Cần có điều chỉnh phù hợp
Năm học 2022 - 2023, các trường được áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Cụ thể, mức trần học phí với các trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ 12 đến 24,5 triệu đồng/năm, tùy theo ngành đào tạo. Mức này tăng từ 300.000 đến 10,2 triệu đồng một năm so với năm học trước, tăng mạnh nhất ở nhóm ngành đào tạo y, dược. Với ĐH công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trần nói trên. Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định, các trường được tự xác định học phí.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022 với giáo dục ĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đồng tình với kiến nghị của Bộ rằng việc tăng học phí cần có điều chỉnh phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn sau 2 năm Covid-19 và đang xây dựng Nghị quyết điều chỉnh.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị lùi áp dụng khung học phí theo Nghị định 81 thêm 1 năm (tức từ năm 2023). Khi đó, học phí năm học 2022 - 2023 của các trường ĐH chưa đảm bảo chi thường xuyên được tăng nhưng không quá 15% so với năm 2021.
Theo các chuyên gia, các trường ĐH hoãn tăng học phí trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 là thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời góp phần bình ổn, kiểm soát lạm phát. Đây là lúc mọi người nên chia sẻ với nhau, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19. Không tăng học phí, các cơ sở đào tạo nên tính đến phương án bù đắp chi phí hợp lý.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN