Thị trường hàng hóa
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và cảnh báo nền kinh tế số một thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái. Trong báo cáo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo giảm từ mức 2,3% xuống còn 1,7% trong năm 2023, đồng thời cơ quan này cho rằng tốc độ tăng trưởng nước này sẽ chậm lại, chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024.
Tháng 5 vừa qua, lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức 8,6%, CPI trong tháng 5 cũng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), hiện giá xăng ở Mỹ tăng vọt lên khoảng 5 USD/gallon (3,78 lít). Bên cạnh đó, chi phí lương thực leo thang, các dịch vụ như tiền thuê nhà, khách sạn và đi lại cũng ở mức cao trong tháng 5 khiến người dân quốc gia này chật vật lo tính toán chi tiêu.
Tại Mỹ, nhiều người dân đang phải chi trả nhiều hơn cho các vật dụng hàng ngày, lái xe ít hơn để có thể tiết kiệm xăng, chuyển đến ở các căn hộ rẻ hơn và trì hoãn các kỳ nghỉ vì sự tăng trưởng của lạm phát đạt ngưỡng cao nhất trong 40 năm. Đồng thời, theo khảo sát từ Insuranks, khoảng 44% người Mỹ đang làm thêm ít nhất một công việc để kiếm thêm thu nhập. Cuộc khảo sát cho thấy những người làm thêm công việc phụ có thời gian làm thêm trung bình 13 giờ mỗi tuần và mang về thêm 483 USD mỗi tháng.
Các hãng truyền thông Mỹ đưa tin, người lao động Mỹ đang được tăng lương với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa những năm 1980. Nhưng với giá cả hàng hoá trên thực tế, trung bình một người dân Mỹ đang phải chi thêm khoảng 460 USD/tháng cho chi phí tiêu dùng của mình, do đó dù lương được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát thì thu nhập thực tế của người dân vẫn giảm.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng giá cả được xác định bắt đầu từ “cú sốc” kép của cuộc xung đột địa chính trị và các chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc từ đầu năm nay. Khủng hoảng kép khiến chuỗi cung ứng gián đoạn đẩy giá hàng hoá lên cao.
Cuộc khủng hoảng giá cả ảnh hưởng đến người dân Mỹ nói chung, nhưng tầng lớp chịu tác động nặng nề nhất là những người lao động thu nhập thấp và có hoàn cảnh nghèo khó. Theo Bộ Lao động Mỹ, 1/5 số người có thu nhập thấp đã phải chi trả 83% thu nhập của mình cho nhà ở và có thể sẽ không đủ khả năng chi trả khi giá thuê tăng, chưa nói đến nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Ðể ngăn chặn "bão giá" gây bất ổn kinh tế vĩ mô và khó khăn cho đời sống người dân, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Mối quan tâm kinh tế lớn nhất của người dân Mỹ là lạm phát gia tăng.
Khi lương không chi trả đủ cho nhu cầu tiêu dùng, nhiều người đã bắt đầu sử dụng quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Chỉ cần một tai nạn hay sự cố y tế nào xảy ra cũng khiến họ có thể rơi khủng hoảng tài chính.
Khi ở trong tình huống đó, họ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. Giữa việc trả tiền thực phẩm với tiền thuốc men, họ sẽ lựa chọn cắt giảm thuốc men.
Một phần người dân đã tìm đến khoản chi tiêu thêm từ thẻ tín dụng, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, việc người dân thu nhập thấp tại Mỹ gánh khoản nợ lớn chỉ là vấn đề thời gian. Đồng thời, Mỹ là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn. Trong khi người dân thu nhập hạn chế phải “thắt lưng buộc bụng” đối với nhiều khoản chi tiêu cơ bản thì những người không quá khó khăn về tài chính, họ nghĩ rằng mọi thứ đã trở lại bình thường. Hiện tại, người thu nhập thấp sống tại New York muốn một miếng bánh pizza với chỉ 1 USD như trong nhiều năm qua là điều không dễ dàng.
Giới phân tích quan ngại rằng, việc Fed quyết định tăng lãi suất trong kỳ hợp tháng 5 cũng không thể giúp nhanh chóng chấm dứt "căn bệnh lạm phát". Ðể kiềm chế lạm phát xuống mức chấp nhận được, có thể FED còn phải tăng lãi suất hơn nữa và điều này dễ dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động kinh tế.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN