Thị trường hàng hóa
Dù nhiều thách thức song các chuyên gia đánh giá dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn lớn, trong đó, kinh tế số là động lực dẫn dắt tăng trưởng quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo kinh tế số lại liên tục tăng.
Cụ thể, các dự báo mới nhất của kinh tế có chiều hướng điều chỉnh giảm ở phạm vi toàn cầu và khu vực trong bối cảnh 2 năm đại dịch và tương lai, thế nhưng kinh tế số liên tục có sự tăng trưởng cao, có chiều hướng gia tăng.
"Phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là phương thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là cách thức để Việt Nam vẽ lên một tương lai phát triển, không chỉ đơn giản là tiếp nối xu hướng của quá khứ mà là đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá", ông Đạt nhận định.
Giúp con tự tin với chương trình tiếng Anh EAL miễn phí tại ISPH
Ông Đạt dẫn chứng, kinh tế số đã giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Theo báo cáo kinh tế số của Google, Temasek và Bain Economy, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
"Tiềm năng tăng trưởng về kinh tế số ở Việt Nam là rất lớn. Kinh tế số ở Việt Nam đang chiếm 1,7%/năm trong GDP, doanh thu của ngành kinh tế số internet trên 20% cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân GDP quý I/2022. Đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động", ông Đạt thông tin.
Để thúc đẩy kinh tế số, đưa Việt Nam sẵn sàng trở thành "công xưởng" thế giới về công nghệ số, GS.TS Trần Thọ Đạt, nhấn mạnh: "Trọng tâm của kinh tế số là cần có bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của cả nước, ngành, tỉnh; có sự đánh giá thực trạng theo các cấu phần kinh tế số; đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng; xác định khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện; xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
"Điều quan trọng là các vấn đề nêu trên cần được triển khai nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng", GS.TS Trần Thọ Đạt chỉ rõ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN