Thị trường hàng hóa
Giá thép xây dựng liên tiếp giảm mạnh
Sáng ngày 27/6, nhiều doanh nghiệp thép niêm yết giá bán mới. Theo đó, giá thép đã giảm mạnh từ 150.000-300.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá bán thép trên thị trường dao động từ 16,3-17,2 triệu đồng/tấn.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, đây là lần giảm giá thép thứ 4. Nếu tính từ ngày 11/5, giá thép đã có 7 lần giảm giá liên tục. Như vậy, chỉ chưa đầy 6 tuần, giá thép đã giảm đến 2,8 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Hòa Phát giảm lần thứ 4 trong tháng 6, mức giảm từ 150 đồng - 200 đồng. Cụ thể, dòng thép cuộn CB240 bán ra 16.500 đồng/kg, giảm 150 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 còn 16.800 đồng/kg, giảm 200 đồng so với phiên trước.
Tương tự, thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm giá bán. Thép cuộn CB240 ở mức 16.360 đồng/kg, giảm 150 đồng; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.770 đồng/kg, giảm 200 đồng so với phiên trước.
Thép Việt Đức giảm mạnh 300 đồng/ kg đối với tất cả các sản phẩm thép của hãng. Thép VAS, cũng giảm 310 đồng - 400 đồng/kg. Thép Việt Nhật giữ nguyên giá bán so với ngày 26/6. Hiện tại, giá dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.770 đồng/kg.
Tại miền Trung, thép Hòa Phát tiếp tục giữ giá ổn định với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Thép Việt Đức điều chỉnh giảm 300 đồng đối với các sản phẩm của hãng. Cụ thể, thép cuộn CB240 niêm yết giá bán 16.360 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 giá 16.770 đồng/kg.
2 sản phẩm thép VAS đều giảm ở mức 200 đồng/kg. Dòng thép cuộn CB240 niêm yết giá 16.360 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 bán ở mức 16.410 đồng/kg. Thép Pomina tăng giá nhẹ với dòng thép thanh vằn D10 CB300, giá bán 17.760 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 giữ nguyên giá bán 17.460 đồng/kg.
Thị trường thép miền Nam ghi nhận mức giảm giá nhẹ, không đáng kể. So với phiên ngày 26/6, giá thép Hòa Phát giảm nhẹ 50 đồng - 150 đồng/kg. Thép Tung Ho giảm mạnh nhất, mức giảm 310 đồng/kg. Thép Pomina và thép VAS chỉ giảm ở mức 100 đồng - 200 đồng/ kg.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá thép liên tục đi xuống thời gian gần đây do rất nhiều nguyên nhân. Đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản ở Trung Quốc chậm lại. Do đó, ngành thép rơi vào tình trạng cung vượt cầu dẫn đến tình trạng giá thép giảm mạnh.
Giá thép giảm còn do tiêu thụ thép trong tháng 4 vừa qua giảm mạnh. Hiện tại, giá vật liệu xây dựng như: xi măng, đá đang tăng cao nên việc triển khai các dự án chậm lại.
Thêm một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến giá thép giảm mạnh là do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đã giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì giá các nguyên liệu nhập khẩu đã giảm sâu.
Hiện tại, giá quặng chỉ ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Ngoài ra, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Hiện, giá thép phế liệu chỉ 530 USD/tấn CFR Đông Á. Giá cuộn cán nóng giảm khoảng 81 USD/tấn, ở mức 797 USD/tấn.
Mặt khác,từ đầu tháng 6, Trung Quốc cho phép mở cửa kinh tế trở lại với hàng loạt chính sách đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng của nước này. Đây cũng là đòn bẩy giúp giá thép cũng như giá các nguyên liệu sản xuất thép sớm hồi phục trở lại.
Các chuyên gia của công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra nhận định khả quan về ngành thép. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 9-12% nhờ nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi sau Covid-19.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN