Thị trường hàng hóa
Những ngoại lệ đặc biệt
Xuất thân từ gia đình chính trị, ông Shinzo Abe cùng gia tộc dành trọn đời mình cho sứ mệnh chấn hưng đất nước mặt trời mọc. Dấu ấn địa chính trị ông để lại góp phần khôi phục vị trí của Nhật Bản trên toàn cầu, cũng như định hình mạnh mẽ cấu trúc an ninh khu vực và quốc tế.
Trong một thế giới hiện đại đầy biến động, tầm nhìn của ông Abe vượt lên những lý tưởng bão hòa, đặt trọng tâm vào hiện thực không thay đổi: Nhật Bản hùng cường khi và chỉ khi đứng trong khối châu Á – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng; Hợp tác thân thiện là chìa khóa cốt lõi hàng đầu.
Tại nhiệm kỳ của mình, Shinzo Abe dẫn dắt Nhật Bản thiết lập mối quan hệ bền vững với các nước ASEAN nói chung. Nhưng đồng thời, với tình cảm đặc biệt xuất phát một cách hoàn toàn tự nhiên, ông dành cho Việt Nam nhiều điều “ngoại lệ” hơn cả.
Trong thời gian cầm quyền, cố Thủ tướng Abe Shinzo đã có 4 lần thăm chính thức Việt Nam vào các năm 2006, 2013, 2017 (2 lần tham dự APEC). Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia được ông Abe dành thời gian ghé thăm nhiều nhất. Việt Nam cũng chính là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông sau lần nhậm chức thứ 2 (năm 2013).
Trong lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam, ông và phu nhân Akie Abe đã đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gửi lưu bút tại đây. Từ đó, FTA Việt Nam - Nhật Bản được tăng tốc và kí kết vào năm 2008. FTA Việt Nam - Nhật Bản là FTA đầu tiên được kí sau khi Việt Nam gia nhập WTO, và là nền tảng cho các FTA sau này.
Khi Nhật Bản đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016, cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã mời Việt Nam tham dự. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam được mời tham dự G7 mở rộng, được công nhận và khẳng định vị thế nâng cao của quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Năm 2019, bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản, ông Shinzo Abe không chỉ mời Việt Nam tham dự, mà còn khéo léo sắp xếp cuộc gặp mặt nhanh chóng giữa lãnh đạo Việt – Mỹ. Có thể nói, ông Abe đã phần nào giúp Việt Nam tháo gỡ những cáo buộc gian lận thương mại từ Mỹ lúc bấy giờ.
Những di sản nghĩa tình
Nhật Bản và cá nhân cố Thủ tướng Shinzo Abe có vai trò quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2020. Trong giai đoạn ông Abe lãnh đạo, Nhật Bản nhiều lần gia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2020, Nhật Bản thúc đẩy nguồn vốn ODA lên tới 7 tỷ USD/ năm cho Việt Nam, có nguồn viện trợ không hoàn lại lên tới gần nửa tỷ đô.
Là một trong những nhà lãnh đạo thân thiết bậc nhất với Việt Nam, cố Thủ tướng Abe rất tha thiết thành lập Trường Đại học Việt Nhật. Ông nhấn mạnh: “Trường Đại học Nhật Việt là một dự án hết sức quan trọng, là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Nhật Bản và Việt Nam.”
Chỉ còn chưa đầy 02 tuần nữa, kỷ niệm 8 năm ngày thành lập trường (21/7/2014- 21/7/2022) sẽ diễn ra. Ông Abe đã ra đi, nhưng tâm huyết cuối đời của ông sẽ còn được trân trọng mãi trong thế hệ tương lai của Trường Đại học Việt Nhật.
Cố Thủ tướng Nhật Bản cũng là người chỉ đạo nới lỏng các quy định nhập cư đối với lao động nước ngoài, điều này đã thúc đẩy lực lượng lao động Việt Nam có cơ hội làm việc và kiếm thu nhập tốt tại Nhật Bản. Thời kỳ cầm quyền của ông cũng là thời kỳ mở rộng của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản.
Đến nay, nhiều người dân Việt Nam tại Nhật vẫn chưa quên khoản hỗ trợ 10 man/ người (gần 22 triệu đồng) giữa đại dịch Covid-19 của cố Thủ tướng Shinzo Abe. Gần như mọi công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản đều được hưởng khoản trợ cấp này. Số tiền tuy không lớn, những giữa đại dịch, đã thể hiện tinh thần nhân văn và vô cùng trân quý!
Ông Abe dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, và ngược lại, người dân Việt chắc chắn sẽ không quên những di sản nghĩa tình mà cố Thủ tướng Nhật Bản để lại. Đó là những dấu ấn không thể xóa nhòa trên hành trình Việt Nam xây đắp vị thế quốc tế, hợp tác sâu rộng và phát triển thịnh vượng.