Thị trường hàng hóa
Nêu ý kiến tại Hội thảo "Khảo sát trải nghiệm và mức độ sẵn sàng số hóa tại các trường đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ)" do IDG tổ chức ngày 13/7, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Việt Nam nhấn mạnh, CĐS cho giáo dục, nhất đối với các trường ĐH-CĐ hiện nay đang được thực hiện và bước đầu có những kết quả tích cực.
Xu thế và mô hình chung CĐS trong giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà cả đối với các nước phát triển đang áp dụng tốt theo 05 tiêu chí trụ cột của Liên Hợp Quốc gồm: Hạ tầng số; không gian số; lớp học số; giáo viên số và tài liệu số.
IDG sẽ tổ chức việc khảo sát về mức độ trải nghiệm và mức độ sẵn sàng số hóa tại các trường ĐH-CĐ trong thời gian nhanh, sớm nhất. Chương trình sẽ gồm 50 câu hỏi dựa trên 05 trụ cột, tiêu chí của Liên Hợp Quốc đưa ra.
"Với hình thức ngẫu nhiên lựa chọn các trường để khảo sát, kết quả cuối cùng sẽ giúp các trường, cơ quan quản lý nhà nước có góc nhìn thực tế từ đó có những chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ CĐS nói chung, giáo dục đại học số nói riêng", Tổng Giám đốc Lê Thanh Tâm nhấn mạnh.
Đánh giá cao việc làm ý nghĩa của IDG, TS. Hoàng Lê Minh, Trưởng khoa CNTT, Đại học Văn Lang cho rằng, việc khảo sát sẽ giúp sinh viên, giảng viên hiểu thế nào, đánh giá thế nào về các kết quả đã đạt được, chưa đạt được hoặc sự chuẩn bị trong quá trình CĐS hiện nay. Chính điều này sẽ giúp cho các trường mở rộng thêm việc việc định hướng, định hình lối đi số hoá, đồng thời giúp các trung tâm giáo dục, trường ĐH-CĐ, cơ quan quản lý, ngành giáo dục thực hiện việc CĐS hiệu quả, bền vững.
Cũng theo TS. Hoàng Lê Minh, CĐS đối với giáo dục cần sớm có quy trình chuẩn hoá, vì việc này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các thông tin, dữ liệu từ thế giới thực sang thế giới, môi trường số. Khi làm tốt điều này sẽ giúp các trường tạo lập môi trường số có khả năng: Số hóa việc lưu trữ dữ liệu; chia sẻ dữ liệu; quản trị hiệu quả dữ liệu đồng bộ trên các nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng phần mềm.
"Tất cả vì mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng, tự động hóa quá trình dạy, học; nâng cao trải nghiệm cho các đối tượng thụ hưởng sinh viên, giảng viên, nhà quản lý…", TS. Hoàng Lê Minh nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Hoàng Lê Minh, CĐS không có nghĩa là việc dùng phần mềm để tối ưu mọi quy trình vận hàng, quản trị. Giáo dục vốn dĩ luôn đa dạng các nguồn tài nguyên dữ liệu, thông tin như: Học tập; tuyển sinh; truyền thông; phụ huynh… "Sẽ không có một phần mềm quản lý nào đủ mạnh để giúp quản lý được sự đang dạng dữ liệu vốn có và ngày càng phát sinh.
"Do đó, trong các trường ĐH-CĐ, việc sử dụng các nền tảng số có khả năng quản lý dữ liệu, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu hiệu quả trên môi trường mạng sẽ luôn là quan trọng - quan trọng hơn việc chỉ sử dụng các phần mềm thuần tuý", TS. Hoàng Lê Minh nêu quan điểm.
TS. Hoàng Lê Minh phân tích thêm, chúng ta có thể chấp nhận sử dụng các phần mềm đa dạng và nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau, nhưng dữ liệu nhất thiết phải được thống nhất, quản lý tập trung, chặt chẽ và phải phục vụ, nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, quản lý, sử dụng lâu dài.
TS. Hoàng Lê Minh khẳng định, CĐS việc dạy và học của các trường ĐH-CĐ của Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng với xu thế phát triển, toàn cầu mà các trường ĐH trên thế giới đang áp dụng.
Việc IDG thực hiện việc đánh giá khảo sát trải nghiệm và mức độ sẵn sàng số hóa tại các trường ĐH-CĐ dựa trên 05 tiêu chí của Liên Hợp Quốc rất phù hợp với chủ trương thực hiện CĐS trong giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, giờ đây, việc chúng ta cần tập trung vào lúc này không chỉ chỉ dừng lại ở chủ trương nói, xem mà cần thiết phải nghiên cứu để phân tích sâu bản chất các yếu tố phù hợp, trọng tâm, từ đó xem xét các yếu tố để yêu tiên, tổng lực thực hiện cho phù hợp với thực tế của từng trường, đơn vị.
Ở khía cạnh quan điểm khác, TS. Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Học viện Ngân hàng cho rằng, việc IDG tiến hành khảo sát trải nghiệm và mức độ sẵn sàng số hóa tại các trường ĐH-CĐ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lớn lao, tuy nhiên cần xác định chủ thể khảo sát.
"Nếu chủ thể là lãnh đạo nhà trường, những người đang thực hiện quản lý, đầu tư công nghệ trong các trường câu trả lời sẽ khác nhiều với đối tượng là các sinh viên, người học", TS. Phan Thanh Đức nêu quan điểm.
Mặt khác, TS. Phan Thanh Đức cho rằng, việc thay đổi mô hình dạy học truyền thống sang môi trường số hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng là sinh viên, học sinh. Cũng vì sự thay đổi này, các học sinh, sinh viên cũng luôn mong muốn, kỳ vọng vào các dịch vụ số chất lượng nhà trường đã, đang, sẽ cung cấp.
Do đó, các trường ĐH-CĐ muốn CĐS nhanh, hiệu quả cần có những chính sách đúng đắn, đặc biệt là cần xây dựng hoàn thiện bản chiến lược, kế hoạch CĐS và phải được áp dụng triển khai mạnh mẽ trong các đơn vị của mình trong hiện tại và tương lai.
Cũng theo TS. Phan Thanh Đức, nếu muốn đo chất lượng từ việc CĐS mang lại trong giáo dục dạy và học, các trường cần phải cung cấp thông tin số công khai, và phải đảm bảo đáp ứng đa dạng, tăng số lượng các dịch vụ số mình cung cấp.
Hơn nữa, các trường khi thực hiện nhiệm vụ CĐS, điều tránh đầu tiên phải là loại bỏ các ý tưởng chủ quan, tăng cường các ý tưởng khách quan và phải chuyển biến thành hành động thực tế có tính tiếp cận mới dựa trên các mô hình đào tạo mới "lớp học đảo ngược" - nghĩa là phải đảm bảo việc dạy - học được: Tăng cường trải nghiệm cho sinh viên và giáo viên; tối ưu hóa quy trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học; sáng tạo mô hình học tập và nghiên cứu mới.
Đồng tình với quan điểm của TS. Phan Thanh Đức, TS. Phạm Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, nhấn mạnh thêm, CĐS sẽ giúp nâng cao năng lực, gia tăng hiệu quả của việc quản trị việc dạy và học.
"Chính vì vậy, Đại Nam luôn xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, cần thực hiện trong bước đường dài liên tục, không chỉ dừng lại trong một vài năm", TS. Phạm Văn Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Phạm Văn Hồng, để thúc đẩy công cuộc CĐS trong các trường thành công, bên cạnh nhiều yếu tố hợp thành, điều không thể thiếu 02 nhân tố quan trọng đó là: Sự đồng thuận, mong muốn của cấp lãnh đạo phải quyết liệt, nhiệt tình; nguồn lực tài chính và con người phải đủ mạnh, đáp ứng thực lực, thực tế.
Bên cạnh đó, cũng cần mức độ tích cực, chủ động hơn của đội ngũ giảng viên nhà trường khi thực hiện nhiệm vụ CĐS. Cần thiết các trường phải thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức CĐS cho đội ngũ các giảng viên.
"Nếu chúng ta CĐS thành công, điều này thúc đẩy quá trình dạy - học chuyên nghiệp và khi đó thầy, cô lập tức phải tự hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa quá trình, phương pháp, nghiệp vụ giảng, dạy; học sinh, sinh viên cũng phải có trách nhiệm, chuyên nghiệp hóa nhiệm vụ của mình trong học và thi cử; quản trị nhà trường sẽ luôn được minh bạch, thông suốt mọi quy trình đầu vào, ra", TS. Phạm Văn Hồng nêu quan điểm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN