Thị trường hàng hóa
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Dự kiến nếu Nghị quyết được thông qua, việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về thị trường trong nước, tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 15 lần, giá xăng tăng 12 lần và giảm 3 lần. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất ngày 13/6/2022, giá xăng trong nước tăng lập kỷ lục. Cụ thể: giá xăng E5RON92 là 31.117 đồng/lít, tăng 7.958 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 3.808 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; xăng RON 95 là 32.375 đồng/lít, tăng 8.499 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.222 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022.
Tại kỳ điều hành này, mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Theo đó, dầu diesel là 29.020 đồng/lít, tăng 10.781 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 3.940 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/04/2022; dầu hoả là 27.839 đồng/lít, tăng 10.701 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.075 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/04/2022; dầu mazut là 20.357 đồng/lít, tăng 3.995 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, giảm 572 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/04/2022.
Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đẩy chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Việc xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Để giảm giá xăng dầu, giải pháp điều chỉnh chính sách thuế có thể sử dụng. Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng ngày càng tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Cụ thể, xăng dự kiến giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay dự kiến giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn dự giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa dự kiến giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Hết thời gian trên, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để hạn chế sự tác động của diễn biến giá xăng dầu thế giới đối với thị trường trong nước thì cần thiết phải đảm bảo chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu từ khai thác, sản xuất trong nước. Song song với các giải pháp tài chính là thực hiện giảm thuế, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày mai 21/6, xăng dầu trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng cùng nhịp với đà tăng trên thị trường thế giới. Hiện giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 300-400 đồng/lít, tương tự dầu diesel, dầu hỏa cao hơn khoảng 800-900 đồng/lít. Theo các chuyên gia, nếu không chi quỹ bình ổn kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng có thể tăng tương ứng khoảng 350-450 đồng/lít; còn dầu diesel tiếp tục tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN