Thị trường hàng hóa
Doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn thông qua tập khách hàng và ngân sách tiếp thị. Đó là lý do vì sao những chủ doanh nghiệp nhỏ phải tìm cách khác biệt để xây dựng thương hiệu của riêng mình. Vậy những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới đã xây dựng tên tuổi của họ như thế nào? Bài viết này sẽ chia sẻ tới các bạn bí quyết xây dựng thương hiệu từ các doanh nghiệp nổi tiếng hàng đầu thế giới.
“Định vị thương hiệu là những nỗ lực đem lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, dễ đi vào nhận thức của khách hàng. Hay cụ thể hơn, là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng liên tưởng tới mỗi khi nhìn chạm mặt thương hiệu của mình”. Những thương hiệu mạnh luôn có vị trí rõ ràng, duy nhất trên thị trường mục tiêu.”
Cách đây không lâu, thương hiệu Samsung không có chút tiếng tăm trên thị trường. Họ đã gặp rất nhiều khó khăn để theo kịp thị trường điện thoại thông minh lúc bấy giờ, nhưng giờ đây Samsung phát triển nhanh chóng đến mức chính Apple cũng phải lo ngại. Ngoài ra, Samsung còn là doanh nghiệp công nghệ lớn nhất theo doanh thu và là thương hiệu có giá trị đứng thứ bảy trong tổng số những doanh nghiệp có giá trị nhất. Và một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Samsung chính là chiến lược xây dựng thương hiệu đỉnh cao.
Giống như nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản khác, Samsung theo đuổi chiến lược Megabrand: Sản xuất đủ mọi thứ và biến công ty thành những tập đoàn đa ngành khổng lồ. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng ngày càng hướng tới những thương hiệu chuyên biệt hơn là những thương hiệu đa ngành. Samsung tập trung vào mảng điện thoại thông minh và dùng chính kẻ thống trị Apple để định vị thương hiệu của mình. Các sản phẩm điện thoại thông minh phân khúc cao cấp, cũng như máy tính bảng Galaxy của Samsung luôn là đối trọng thường trực của Iphone và Ipad. Với tư cách là đối thủ của kẻ đứng đầu thị trường, Samsung nhanh chóng có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Song song cùng việc cạnh tranh trực tiếp với Apple ở phân khúc cao cấp, Samsung cũng đánh mạnh vào các phân khúc tầm trung, tầm thấp bằng việc những dòng điện thoại giá rẻ ở cả thị trường mới nổi lẫn các thị trường có truyền thống và uy tín như châu Âu và Bắc Mỹ. Với nhu cầu điện thoại thông minh của các nước đang phát triển cũng như xu hướng ngày càng e ngại của người tiêu dùng trong phân khúc cao cấp; việc đẩy mạnh các dòng điện thoại giá rẻ mang lại thành công lớn cho Samsung trong việc việc tạo ra nguồn lợi nhuận ít hơn nhưng ổn định và định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
“Truyền thông luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu thành công. Dưới sự bùng nổ của cách mạng 4.0, sức mạnh của truyền thông ngày càng được lan tỏa rộng và gần như không có giới hạn.”
Từ một quầy nước trong một hiệu thuốc Jacobs ở Atlanta, Georgia, Coca-Cola đã phát triển thành một công ty nước giải khát toàn cầu. Kể từ những năm 1980, Coca-Cola đã tập trung vào các hoạt động quảng bá hình ảnh và giá trị mà sản phẩm mang lại. Vào năm 2009, công ty bắt đầu triển khai phát động chiến dịch “Open Happiness” trên toàn cầu. Với phong cách tối giản và tập trung vào giá trị thương hiệu, Coca-Cola đã giành được Giải thưởng Thiết kế tại Cannes Lions Grand Prix và đạt được mức tăng trưởng nhất quán trong 18 quý (4,5 năm) kể từ khi thành lập.
Tồn tại trên thị trường nước giải khát hơn một thế kỷ và vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu, Coca-Cola quả thực đã thành công trong việc định vị thương hiệu. Những chiến dịch truyền thông đỉnh cao đưa tên tuổi Coca-Cola lên vị trí ông hoàng của làng giải khát có thể kể đến như: Sử dụng người nổi tiếng làm gương mặt đại diện, đầu tư vào thiết kế vỏ chai, vỏ lon với đăng ký sở hữu độc quyền, thực hiện các chiến dịch quảng cáo với tần suất liên tục trên truyền hình, mạng Internet với đủ mọi hình thức sáng tạo như: in tên người dùng lên vỏ lon, những cuộc so găng bất tận cùng đối thủ Pepsi, bảo vệ môi trường…
Thậm chí trong suốt thời gian thế chiến thứ hai, công ty này thậm chí còn hỗ trợ tiếp tế quân nhu cho quân đội Mỹ ở nước ngoài theo yêu cầu của Tổng thống Eisenhower. Chủ tịch Coca-Cola đã thề là mỗi người lính sẽ nhận một chai Coca-Cola chỉ với 1 nickel cho dù anh ta ở bất kỳ đâu và công ty phải tốn kém thế nào. Các nhà máy đóng chai đi theo quân đội và khi cuộc chiến kết thúc công ty đã có một mạng lưới các nhà máy ở khắp thế giới. Nhờ vậy, trong suốt 131 năm qua, Coca Cola vẫn giữ vững vị thế là thương hiệu có doanh số bán chạy nhất trong lịch sử.
“Là đại sứ truyền thông và “điểm chạm” trực tiếp của doanh nghiệp với mỗi khách hàng, đội ngũ nhân viên đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu. Bởi vậy, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thoải mái khiến nhân viên thấm nhuần những giá trị cùng niềm tin với doanh nghiệp; từ đó truyền tải tới khách hàng những điều tốt đẹp nhất về doanh nghiệp.”
Starbucks là một cửa hàng cà phê chiếm lĩnh đông đảo thị trường cà phê trên toàn thế giới. Tại Việt Nam hiện nay đã có gần 70 cửa hàng tại 4 thành phố lớn chứng tỏ sức hút của thương hiệu này đến những người yêu thích cà phê lớn đến cỡ nào. Văn hóa doanh nghiệp thường biệt lập với chiến lược kinh doanh tại các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, tại Starbucks chiến lược kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp sẽ đan xen với nhau, tạo nên sự khác biệt.
Chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới Starbuck tin rằng xây dựng văn hóa đề cao mối quan hệ giữa nhân viên với nơi làm việc sẽ giúp nhân viên hiểu và gắn kết với doanh nghiệp hơn. Starbucks coi nhân viên của mình chính là “thượng đế” và khiến nhân viên làm việc ở đây đều cảm thấy mình được tôn trọng và đối xử đặc biệt. Và các nhân viên khi đã biết được tầm quan trọng của mình, họ sẽ đối xử với khách hàng như “thượng đế”, đem đến cho khách hàng trải nghiệm một cách tốt nhất.
Starbucks đã thành công khi biết cách đào tạo nhân viên và luôn cho nhân viên của mình trải nghiệm những cách đối xử bình đẳng, không phân biệt. Và khi khách hàng đặt chân vào Starbucks sẽ cảm thấy bầu không khí thoải mái và thân thiện. Tất cả những thành công vang dội của Starbucks đều nhờ đến văn hóa nổi bật tại đây. Hiện nay Starbucks có gần 27.000 cửa hàng, 238.000 nhân viên trên toàn thế giới cùng doanh thu lên đến 22,39 tỷ USD mỗi năm. Những điều đó đạt được phần lớn là nhờ Văn hóa Starbucks độc đáo này.
Theo thời gian, những sản phẩm sẽ hết hạn, bao bì tinh xảo cũng không còn hợp trào lưu, những đối thủ cạnh tranh trong ngành sẽ lần lượt xuất hiện. Những công ty chỉ quan tâm đến sản phẩm sẽ không thể đứng vững trên thị trường khi những điều đó xảy ra, còn một thương hiệu được đầu tư xây dựng hình ảnh, giá trị, chất lượng và có được sự tin tưởng, lòng trung thành từ khách hàng thì sẽ không thể bị thay thế. Vì vậy, hãy xây dựng một thương hiệu riêng cho bạn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN