Thị trường hàng hóa
Ngày 29/7, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Sofia, Bungari; Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 4 về Kinh tế, Kinh doanh và Tài chính năm 2022 tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về Kinh tế, Kinh doanh và Tài chính năm 2022 đã nhận được hơn tổng cộng gần 70 bài viết từ các nhà khoa học thuộc các trường Đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Mỹ, Pháp, New Zealand, Indonesia. Sau quá trình phản biện khoa học, chặt chẽ, có 45 bài được chấp nhận. Các bài viết gửi đến hội thảo là kết quả của các nghiên cứu về các chính sách kinh tế, tài chính, thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nền kinh tế và tài chính toàn cầu đang đứng trước những biến số khó lường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gần đây là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Những biến động nêu trên đã đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng giá cả các hàng hóa, gia tăng áp lực lạm phát và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.
Các ngành kinh tế của Việt Nam đã trải qua những tác động tiêu cực do dịch bệnh, chiến tranh, đặc biệt là ngành nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong hai năm vừa qua, xuất nhập khẩu có sự suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hệ thống tài chính trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Để đối mặt với những thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh thu hút đầu tư và gia tăng xuất khẩu. Những nỗ lực của Chính phủ bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp nền kinh tế nước ta chống đỡ và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tuy vậy, để hướng đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn, các nhà hoạt định chính sách cần thực thi nhiều biện pháp đồng bộ trong thời gian tới. Vì vậy, việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách kinh tế, tài chính, tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa về khoa học lẫn thực tiễn.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế cho biết: “Thông qua hội thảo, tôi tin tưởng rằng với sự tham gia và trình bày của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra những hàm ý chính sách, phương pháp và cách tiếp cận mới để giúp Chính phủ và chính quyền các cấp đề xuất ra các giải pháp hiệu quả nhằm đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”.
"Hội thảo là nơi trao đổi, nghiên cứu các bài viết khoa học trong các lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh và Tài chính và được chia làm 2 phần gồm Phiên toàn thể là phần trình bày của các bài nghiên cứu của GS. Mark Richard Harrison, Trường Đại học Randolph, Hoa Kỳ với chủ đề “Một mô hình cân bằng chung đơn giản về cạnh tranh giữa các khu vực tài phán”; “Vai trò của nhà phân tích tài chính trong bối cảnh tài chính bền vững” của ông Yovogan Marcellin, Trường Đại học Sofia "St. Kliment Ohridski", Bulgaria và bài nghiên cứu khoa học với đề tài: “Các khoản cho vay phát triển, đói nghèo và động lực kinh tế” – Phạm Thị Kim Cương, Trường Đại học Paris Nanterre nhấn mạnh.
Phiên thứ 2 là phiên Hội thảo chuyên đề trình bày các vấn đề trong các lĩnh vực về Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán và Tài chính Ngân hàng với nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh và tiếng Việt như: “Chương trình xúc tiến xuất khẩu quốc gia (EPP) như một động lực thúc đẩy hoạt động của công ty xuất khẩu” của nhà nghiên cứu Miguel Angel Esquivias Padilla, Trường Đại học Airlangga, Indonesia; “Tác động của việc cải thiện hệ thống thủy lợi đối với sản xuất lúa gạo ở Việt Nam” của tác giả Cao Minh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ; “Đa dạng hóa sinh kế và thu nhập nông hộ: nghiên cứu trường hợp tỉnh Đắk Lắk” của tác giả Nguyễn Đức Quyền, Trường Đại học Tây Nguyên; “Xem xét tác động của sự can thiệp của Chính phủ đối với hoạt động của thị trường chứng khoán trong bối cảnh Covid-19 của các nước ASEAN” của tác giả Bùi Thành Công – Trường ĐH Kinh tế, Đại học Huế; “Nghiên cứu nhân tố tác động đến chất lượng thông tin kế toán của tác giả” Nguyễn Thu Nha Trang - Trường Đại học Cần Thơ; “Nghiên cứu các yếu tố tác động đến ý định quay lại của du khách nội địa trong bối cảnh bình thường mới - Trường hợp nghiên cứu tại các điểm du lịch Đắk Lắk” của tác giả Từ Thị Thanh Hiệp - Trường Đại học Tây Nguyên...
ĐANG HOT
Người dân lên kế hoạch du lịch qua mạng ngày càng nhiều
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm