Thị trường hàng hóa
Vượt qua hơn 100km đường đèo núi quanh co và những con dốc dựng đứng trên đèo Măng Rơi, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), chúng ta sẽ đặt chân đến vùng đất thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh. Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu đặc biệt, chính vì vậy núi Ngọc Linh nghiễm nhiên trở thành vùng đất lý tưởng cho giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển.
Trước đây, người Xơ Đăng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông xem cây sâm Ngọc Linh như một phương thuốc giấu. Những lúc đau ốm nặng, bị rắn cắn, hay bị mắc các bệnh thông thường dân làng thường lấy cây sâm này để ngậm. Cây có vị đắng, mùi thơm, kỳ lạ thay sau khi dùng thuốc thì ai nấy đều thấy khỏe khoắn. Sâm Ngọc Linh thường mọc len lỏi dưới tán rừng già, vì không biết giá trị của loại sâm này nên người dân cứ lên rừng đào về trao đổi như hàng hóa.
Đến năm 1973, một đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y khu V do Dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu tìm một số dược liệu phục vụ vào việc chăm sóc, cứu chữa bộ đội. Tại đây, Dược sỹ Đào Kim Long đã phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh.
Ban đầu, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện trong phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin. Trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng. Mới đây, các nhà khoa học đã thống kê trong sâm Ngọc Linh có đến 104 hợp chất saponin.
Trước những phát hiện mới về hàm lượng chất saponin trong sâm Ngọc Linh đã khiến loại cây này trở nên giá trị. Nếu như trước đây, người dân “ốc đảo” Măng Ri chỉ biết xoay quanh cây lúa thì nay họ đã và đang từng bước trở thành tỷ phú nhờ “báu vật” mang tên sâm Ngọc Linh. Đây cũng là vùng được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước. Sau nhiều năm khẳng định thương hiệu, hiện sâm Ngọc Linh được xem là Quốc bảo của Việt Nam.
Nhờ mạnh dạn thử nghiệm trồng “báu vật” sâm Ngọc Linh, anh A Chung (SN 1981, trú tại thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) hiện đã sở hữu gia tài tiền tỷ. Hiện vườn sâm của anh Chung trồng hơn 1.000 gốc sâm Ngọc Linh có thời gian từ 1-5 năm tuổi, 300 cây sâm Ngọc Linh khoảng 5 năm tuổi. Khi đến 7 năm tuổi những cây sâm này sẽ có giá khoảng 100 triệu đồng/kg. Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng mỗi củ, cao nhất có thể lên đến 250 triệu đồng/kg.
Anh A Chung chia sẻ: “Trong quá trình chăm sóc cây sâm Ngọc Linh, người dân có thể lấy ngắn nuôi dài nhờ việc thu hoạch quả và lá sâm để bán kiếm thêm thu nhập. Trung bình, mỗi quả sâm có giá khoảng 100.000 đồng, khi ươm thành công ra cây sâm giống sẽ có giá khoảng 300.000 đồng/cây. Tuy nhiên, người dân chủ yếu ươm trồng, ít bán ra thị trường nên cây giống rất khan hiếm. Còn đối với lá sâm Ngọc Linh thường có giá từ 5 – 10 triệu đồng/kg, đây cũng được xem là nguồn dược liệu quý giá làm nước trà hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe”.
Sâm Ngọc Linh chỉ có thể sống được dưới tán rừng già. Lá và gỗ mục trong rừng sẽ trở thành phân bón giúp cây sâm sinh trưởng. Tán rừng như một máy điều hòa khổng lồ tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm phát triển. Cũng bởi vậy, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh luôn cố gắng giữ rừng để trồng sâm.
Hiện nay việc phát triển trồng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng bước đầu đã tạo ra nguồn thu rất lớn cho người dân bản địa. Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tư Mơ Rông, đa số người dân đều nhận chăm sóc và liên kết với doanh nghiệp để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Bởi phần lớn các doanh nghiệp đều tham gia chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế cao từ cây sâm Ngọc Linh.
“Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để người dân nơi đây phát triển kinh tế nhờ cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, để người dân có thể làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đồng thời xây dựng vùng trồng sâm Ngọc Linh trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn xa”, ông Mạnh cho hay.
Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh, mới đây UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo UBND 2 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh. Không để tình trạng mua bán giống sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng xảy ra trên địa bàn.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Mới đây trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng các đối tượng mua củ giống sâm ở các tỉnh phía Bắc đưa vào để giả mạo sâm Ngọc Linh bán lấy lời. Ngay sau khi người dân phát hiện được đã báo tin, chính quyền đã yêu cầu những người này rời khỏi địa bàn. Có đối tượng còn tìm cách gọi qua điện thoại rao bán hạt sâm cho người dân. Trước thực trạng trên, huyện cũng đã triển khai cho người dân, doanh nghiệp đăng ký mã QR để xác định nguồn gốc, chất lượng của từng củ sâm”.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra mục tiêu, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh được nhân rộng lên đến 4.500ha.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm