Thị trường hàng hóa
Na rừng là một thảo dược quý được các bà con đồng bào dân tộc sử dụng từ lâu đời. Khác với cây na thông thường, na rừng là loại dây leo, có thân cứng, hóa gỗ, có màu nâu đen. Loại cây này thường ưa khí hậu ẩm mát đặc biệt ở vùng nhiệt đới núi cao, ven rừng núi.
Mỗi năm, na rừng chỉ ra quả vào một mùa duy nhất trùng với mùa thu hoạch các loại na thông thường. Mùa hoa thường rơi vào tháng 5 - 6, mùa quả rơi vào tháng 8 - 9. Quả na rừng có kích thước to gấp 2 - 3 lần na thường, có dạng hình cầu và nhiều múi, khi chín màu vàng. Tuy có quả hàng năm nhưng số lượng quả trên cây không nhiều.
Khi chín, thịt của trái na rừng thường có màu hồng, múi rất to và rất dễ tách thành từng múi nhỏ. Trái na rừng có mùi thơm nhẹ, có thể ăn được nhưng thịt ít nên người ta hay dùng để làm thuốc, dược liệu.
Trong đông y, cây na rừng có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh, từ rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh. Quả na rừng được sử dụng để trị phong thấp, hay làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ, giúp điều hòa khí huyết, hồi sức…
Chuyên cung cấp các loại đặc sản núi rừng và đồ ngâm rượu, thảo dược, chị Lưu Thị Hương (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết: “Na rừng được tôi mua lại từ những bà con đi lên rừng kiếm về và bán tại Thái Nguyên, một số được gửi đi bến xe Mỹ Đình để cung cấp cho khách hàng tại Hà Nội”.
Chị Hương cho hay, vào chính vụ na rừng chín, có những ngày 2 tạ na được khách hàng mua hết, dẫn tới cháy hàng không còn để bán. Theo chị Hương, na rừng khi ăn có vị ngọt xen lẫn chát, tuy nhiên khi ngâm rượu rất thơm và ngọt nên khách hàng chủ yếu mua để ngâm rượu.
“Không tự nhiên mà nhiều người săn lùng loại quả này để về ngâm, bên cạnh hương vị đặc biệt, công dụng tốt cho sức khỏe thì múi na đỏ, xếp lại sẽ có hình dạng rất đẹp để chưng”, chị Hương nói.
Do có giá trị cao về dược liệu nên na rừng được rất nhiều thương lái tìm mua và trả giá cao. Với mức giá giao động từ 90.000 đồng - 120.000 đồng/kg, thậm chí giá cao hơn khi vào đầu mùa và cuối mùa thì na rừng đắt gấp 3 - 4 lần so với các loại na thường.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và thu hoạch na rừng cũng rất khó khăn, người dân phải đi vào rừng sâu và thông thuộc địa hình mới có thể tìm được khiến cho giá thành được đẩy lên cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, loại quả này được nhiều người vào rừng tìm hái nên giá cũng có phần giảm xuống.
Chia sẻ về những khó khăn khi tìm kiếm na rừng, chị Trần Thị Liên (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết: “Na rừng thường leo lên các cây cao, cổ thụ trong rừng để sinh sống nên muốn hái loại quả này phải trèo lên cây cao, khéo léo thả xuống để quả không bị hư và dập nát. Đây cũng là một loại cây khá hiếm nên phải biết chỗ mới có thể tìm được”.
Theo chị Liên, những năm gần đây na rừng bán được giá nên cứ tới mùa có rất nhiều người vào rừng để tìm hái, quả na rừng cũng vì thế nên hiếm và khó tìm hơn. Những ngày này, quả na rừng vào mùa, quả na căng, múi nổi và ngon nhất trong mùa. Có những ngày chị Liên cùng người thân vào tận rừng sâu thu hoạch được gần 200 quả chín.
Với nhiều công dụng tốt và đặc biệt dành cho sức khỏe, thời gian gần đây, na rừng trở thành một loại quả quý hút khách thị trường dược liệu và được nhiều người săn lùng về để ngâm rượu, sao khô hãm trà, kết hợp với một số loại dược liệu khác để làm thuốc, chữa bệnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm