Thị trường hàng hóa
Nghệ nhân Phạm Chí Khánh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở phố Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nghệ nhân Khánh cho biết, cha ông là cụ Phạm Chí Dương vốn là nghệ nhân chế tác đàn nổi tiếng ở đất Hà Thành xưa. Bởi vậy, ông Khánh là thế hệ được thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, tiếp xúc và trải nghiệm nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, các nhạc cụ dân tộc như đàn, trống... đã gắn liền với tuổi thơ của ông.
"Bố tôi trước kia thường đi gánh hát, kéo nhị, thổi kèn biểu diễn. Sau khi các gánh hát bỏ và nâng cấp lên thành các đội văn nghệ nhà nước, thì bố tôi lại chuyển về nhà để sản xuất và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống cho các đoàn văn công, tuồng, chèo, quan họ, cải lương...", ông Khánh kể lại.
Kể từ đó, ông Khánh say mê với những loại nhạc cụ dân tộc, đi theo bố xem biểu diễn và tự mắc dây đàn khi ở nhà. Đặc biệt, năm lên 8 tuổi, nghệ nhân Khánh được tiếp xúc với rất nhiều loại đàn dân tộc Việt Nam. "Ăn ngủ bên đàn, cứ hễ nghe thấy tiếng đàn là máu nghệ thuật trong người tôi khi ấy lại trỗi dậy...", ông Khánh tâm sự.
"Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (chuyên khoa Tuồng) vào năm 1983, tôi vào làm việc tại Đoàn tuồng Bắc Trung ương, rồi một năm trường đổi thành Nhà hát tuồng Trung ương và rồi sau đó đổi tên thành Nhà hát tuồng Việt Nam. Tôi cũng gắn bó với nơi đây đến hiện tại...", ông Khánh tâm sự.
Với nhiều năm công tác tại Nhà hát tuồng Việt Nam, nghệ nhân Phạm Chí Khánh có nhiều cơ hội được đi biểu diễn ở nhiều nơi, được tiếp xúc với rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, trong đó tiếp xúc nhiều nhất là những cây đàn dân tộc Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, nghệ nhân Khánh đã có hơn 50 năm học hỏi, làm và chế tác đàn dân tộc Việt Nam.
Từ những cây đàn cổ được kế thừa từ chính người cha mình, đến nay ông Khánh đã có thể chế tác ra hàng trăm loại đàn khác nhau, từ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đến các dân tộc có nền văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. Ngoài khả năng chế tác đàn, nghệ nhân Khánh còn rất tinh thông về lịch sử, nguồn gốc, tên gọi của những cây đàn ông từng chế tác.
Nghệ nhân Khánh cho biết, hiện tại căn nhà nhỏ ở số 9 phố Hàng Nón, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội còn lưu giữ khoảng 150 loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có nhiều cây đàn bầu cổ có niên đại hàng vài trăm năm, minh chứng về lịch sử đất nước Việt Nam.
"Hiện ông Khánh có 3 phiên bản đàn bầu, trong đó gồm cây đàn bầu cổ được ông phục dựng lại theo tranh ảnh cổ để lại. Phiên bản đàn bầu thứ hai được cải tiến nhỏ gọn hơn so với phiên bản đàn bầu cổ và được sử dụng trong hát xẩm. Còn phiên bản đàn bầu thứ ba được cải tiến và xuất hiện kể từ khi có nhạc điện tử...", ông Khánh chia sẻ.
Nói về nguyên liệu làm đàn, nghệ nhân Khánh cho biết, để tạo ra một cây đàn nổi tiếng như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... thì yếu tố quan trọng đầu tiên là chất liệu gỗ (buộc phải dùng gỗ ngô đồng bởi tính xốp nhẹ và không mối mọt) và nó quyết định đến 90% âm thanh phát ra từ cây đàn khi hoàn thiện. "Sau khi cây đàn hoàn thiện xong phần thô thì mang đi khảm trai để trang trí. Vì những họa tiết khảm trai trên đó đều mang ý nghĩa về một câu chuyện cổ của dân tộc", ông Khánh nói.
Còn với những loại đàn khác như đàn nguyệt, đàn tơ rưng, đàn tranh... thì phím đàn phải được làm từ tre già. Gắn phím đàn là khâu quan trọng nhất trong việc chế tác một cây đàn, bởi phím đàn thiết kế đúng thiết kế thì âm thanh mới hay, mới chuẩn. Ngoài ra, đối với loại nhạc cụ khác thì công đoạn bưng mặt đàn quyết định đến tiếng đàn có hay hay không. Công đoạn này khó đồi hỏi người thợ chế tác đàn phải khéo léo, tỉ mỉ và sự cảm nhận về nghề của người thợ. Ông Khánh tâm sự: "Ngoài việc chế tác đàn, tôi còn có biết thể hiện những giai điệu trên chính nhưng cây đàn do mình làm ra".
Yêu đàn, say đàn và đàn như ngấm vào 'máu thịt', nên mong muốn của nghệ nhân Phạm Chí Khánh ở hiện tại là truyền lại nghề đàn cho con cho cháu. May mắn cho ông là trong gia đình hiện có con gái lớn là chị Phạm Thị Huyền Trang đang công tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cũng biết sử dụng thuần thục nhiều loại đàn dân tộc, trong đó thành thạo nhất là đàn bầu và đàn tranh...
Tự hào về gia đình có người kế nghiệp mình, nên ở hiện tại dù đã ngoài 60 tuổi nhưng nghệ nhân Khánh vẫn miệt mài, hăng say chế tác đàn, vì đàn gắn với nhiều nhạc cụ dân tộc, đã theo ông hơn nửa đời người.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, đôi tay nghệ sĩ của nghệ nhân Phạm Chí Khánh lại nhẹ nhàng gẩy những giai điệu đàn bầu êm nhẹ, âm vang. Tiếng đàn vang vọng khắp căn phòng nhỏ khiến lòng người nghệ sĩ ngoài 60 tuổi lại trỗi dậy. Ông Khánh tâm sự: "Đàn như con ruột của tôi nên ngoài thời gian chế tác, thời gian dạy đàn ra tôi thường đánh đàn một mình để hiểu đàn hơn và hồi ức lại về thời kì mới theo học nghề đàn".
Theo nghệ nhân Phạm Chí Khánh: "Nền âm nhạc Việt Nam và những cây đàn dân tộc là những viên ngọc trai quý giá, ẩn mình trong lớp vỏ rất cứng. Không chỉ riêng tôi mà những người có niềm đam mê nghệ thuật phải có trách nhiệm đưa những viên ngọc quý đó đến công chúng, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Nhạc cụ dân tộc không kén tầng lớp mà đó là nhạc cụ dân tộc Việt Nam".
Tuy nhiên, nghệ nhân Phạm Chí Khánh cũng lo lắng trước sự phát triển của xã hội, kèm theo sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại mà quay lưng với bản sắc dân tộc. Nghệ thuật của nhạc cụ dân tộc đang trở nên lạc lõng đứng trước nguy cơ 'mai một' bởi cơ chế thị trường.
"Nhiều người ngoại quốc khi đến Việt Nam, họ thường tìm đến cơ sở của tôi để tìm hiểu về nhạc cụ đàn dân tộc, tận mắt được xem tôi chế tác và biểu diễn đàn. Trong khi đó, người Việt Nam lại đang dần lãng quên khi chúng ta đã có một nền âm nhạc độc đáo được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Khánh tâm sự.
Ngoài ra, nghệ nhân Khánh cũng cho biết do được thừa hưởng lại nghề "cha truyền con nối" nên hiện tại dù xã hội phát triển hơn trước, sự tiến bộ về âm nhạc quốc tế du nhập vào Việt Nam. Song, nghệ nhân Phạm Chí Khánh vẫn quyết giữ gìn và phát huy văn hóa nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam bằng việc chế tác, sửa chữa và biểu diễn trên chính những cây đàn do ông tạo ra.
Bởi vậy, mà nghệ nhân Khánh rất mong muốn Nhà nước cần có những chính sách để bảo tồn và phát huy những nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề chế tác đàn. "Muốn giới trẻ biết và yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam thì nhà nước cần tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, biết và lắng nghe ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường", ông Khánh nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm