Thị trường hàng hóa
Từ khi triết lý đạo Phật được hình thành, hầu như trong tâm thức của mỗi người đều cho rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến sự giải thoát, thực hành từ bi hỉ xả, tìm kiếm Niết bàn.... Cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, khi thế giới bước vào làn sóng hiện đại hóa, công nghệ hóa, Phật giáo cũng đứng trước sự hội nhập, tham gia vào các vấn đề của xã hội.
Phật giáo và những triết lý đạo Phật đã có sự hiện diện sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ văn hóa, nghệ thuật đến kinh tế, chính trị, cho thấy sự nhập thế tích cực của đạo Phật đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, sự xuất hiện của khái niệm “Phật giáo và kinh tế” lại khiến nhiều người băn khoăn khi nghĩ đến sự kết hợp giữa hai yếu tố “tâm linh” và “vật chất”.
Tư tưởng giải thoát trong triết lý Phật giáo tức là con người sẽ đến được niết bàn sau khi chết, muốn vậy con người cần phải rũ bỏ được mọi sự trói buộc và ham muốn bằng sức mạnh ý chí, tinh thần, trở về với bản tính của chính mình khi còn tồn tại ở trần thế. Rũ bỏ ham muốn vật chất, không để vật chất chi phối chính là một trong những cách giúp con người giải thoát khỏi khổ não.
Như vậy, đạo Phật không dạy con người làm ra vật chất, không khuyên nhủ con người không được làm ra vật chất mà chủ đích hướng con người thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất, không để vật chất chi phối hay làm mất đi bản ngã. Tuy nhiên lĩnh hội triết lí đạo Phật giúp chúng ta tìm ra những chỉ dẫn liên quan đến khía cạnh đạo đức, mà đạo đức thì có mặt trong mọi lĩnh vực trong đó có cả kinh tế, kinh doanh.
Phật giáo hay các tôn giáo chân chính đều hướng con người tới chân, thiện mỹ, hoàn thiện phiên bản tốt nhất của chính mình. Với quan điểm ai cũng có Phật tánh, do đó nếu khơi gợi tính thiện trong mỗi con người thì xã hội sẽ được “an”, “bất bạo động”. Đó chính là con đường tiến tới hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng, phát triển, thế giới sẽ không còn tranh chấp và đó chính là đóng góp quan trọng nhất của Phật giáo trong xã hội hiện đại với nhiều bất ổn tiềm ẩn như hiện nay.
Như vậy phạm trù liên quan giữa đạo Phật và kinh tế chính là đạo đức. Đạo đức chính là chìa khóa cho con đường kinh doanh hòa hợp, bền vững khi mà con người kết nối được với nhau và đồng lòng tạo giá trị chung. Vậy ứng dụng đạo Phật vào kinh doanh như thế nào?
Kinh doanh là phải tối đa hóa lợi nhuận. Để tối đa hóa lợi nhuận và trước những cạnh tranh khốc liệt có những cá nhân, tổ chức đã bất chấp các yếu tố về môi trường, con người hay trách nhiệm với xã hội. Như vậy, lợi ích và tính cạnh tranh khiến con người vô tình hay cố ý đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển chung của toàn xã hội.
Để ứng phó và giải quyết các vấn đề đó, đòi hỏi người làm kinh tế phải có một tri thức và tầm nhìn sâu rộng và quan trọng hơn hết là phải có đạo đức trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng đạo Phật vào tư duy kinh doanh, hay bồi đắp tư duy kinh doanh bằng đaọ Phật được coi như là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên.
Đạo đức kinh doanh không phải là khái niệm có thể nói chung chung và việc thực hành đạo đức trong kinh doanh cũng cần phải thao tác được, tức là cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc hay chuẩn mực nhất định. Người chủ doanh nghiệp hay người làm kinh doanh khi chiêm nghiệm triết lí như lợi người lợi mình, tính nhân quả ... sẽ giúp khai sáng trí tuệ bản thân, từ đó tự định hướng cho mình những nguyên tắc trong các hoạt động kinh doanh hay thực hiện các trách nhiệm xã hội.
Trong giới doanh nhân Việt Nam có rất nhiều người tin yêu đạo Phật, thậm chí họ trở thành những Phật tử và thực hành đạo Phật hàng ngày, chiêm nghiệm và ứng dụng triết lý đạo Phật giúp mở rộng nhân sinh quan, có được sự bản lĩnh, sáng suốt trước mọi biến cố và thâm chí là cải thiện sức khỏe bản thân.
Những ai biết tới tập đoàn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ đều biết ông đã lấy biểu tượng hoa sen chính là dấu ấn đặc trưng của đạo Phật. Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo đạo Phật, vị doanh nhân này đã từng chia sẻ rằng, Tập đoàn Hoa Sen kinh doanh bền vững lấy đạo đức làm nền tảng với tiêu chí “trung thực-cộng đồng-phát triển”.
Hay như Bà Thái Hương, người sáng lập Tập đoàn TH. Bà Thái Hương là một Phật tử và lấy pháp danh Diệu Huệ. Về quan niệm trong kinh doanh, bà Thái Hương luôn chú trọng đến những giá trị cốt lõi gắn với chữ Thiện. Tư duy kinh doanh của bà thể hiện qua các thương hiệu thực phẩm, đồ uống được chế biến từ nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch, hữu cơ của tập đoàn TH.
Ngoài ra còn có rất nhiều doanh nhân như ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air; ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup... đã ứng dụng hiệu quả triết lý đạo Phật để phát triển sự nghiệp của mình, mang lại những thành tựu viên mãn./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm