Thị trường hàng hóa
Tuy mỗi doanh nghiệp, công ty Nhật Bản có những triết lý kinh doanh riêng, nhưng phần lớn đều quy về một số nguyên tắc chính sau đây. Đó là những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt mang thương hiệu Nhật Bản, khó trộn lẫn với bất cứ doanh nghiệp của quốc gia nào khác.
Trong diễn từ tại buổi lễ thành lập Công ty Sony năm 1946, cha đẻ của tập đoàn Sony - ông Ibuka Masaru từng phát biểu một câu vô cùng xúc động "Ta phải đem công nghệ góp phần vào phục hưng tổ quốc chúng ta". Câu nói ấy toát lên hồn cốt của các doanh nhân người Nhật, bởi bao đời nay, họ luôn coi kinh doanh là một sứ mệnh để hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, xã hội và vì hạnh phúc của người dân.
Các nhà kinh doanh tiêu biểu khác của Nhật Bản như Matsushita Konosuke (ông chủ sáng lập Panasonic), Toyoda Kiichi (người sáng lập Toyota), Honda Soichiro (nhà sáng lập Honda)… cũng có chung triết lý ấy.
Đặc biệt, không chỉ nghĩ cho đại cục, các doanh nhân Nhật Bản còn nổi tiếng là những ông chủ chi tiết, tỉ mỉ, quan tâm tới nhân viên. Họ tôn thờ triết lý kinh doanh để đem lại hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho nhân viên.
Inamori Kazuo, nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI và cũng là người "tái sinh" Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) từng chia sẻ triết lý kinh doanh của bản thân: "Vì một tương lai hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể nhân viên".
Rõ ràng, phương châm thông minh này giúp các ông chủ Nhật Bản thổi bùng lòng nhiệt thành và sức cống hiến của mọi nhân viên. Bất kỳ ai cũng sẽ tự hào về công ty, sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp nếu biết ông chủ luôn nghĩ cho mình và vì mình.
Với người Nhật, trong mọi hoàn cảnh kinh doanh, sự tử tế phải được tôn vinh lên hàng đầu. Có được sự tử tế, con người sẽ có cơ hội nhận được thiện báo, phúc lành cho chính mình. Vì vậy, người Nhật quan niệm, kinh doanh dựa trên nền tảng của sự tử tế, dựa trên pháp lý vĩ đại là con đường nhanh nhất và tốt nhất dẫn bạn đến thành công bền vững.
Kinh doanh xuất phát tự tâm không đơn thuần là làm ăn chân chính, người Nhật luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Vì vậy, khi trở thành khách hàng của người Nhật, bạn sẽ luôn cảm thấy ấm áp, hài lòng bởi thái độ và dịch vụ của họ.
Đơn cử, tại tập đoàn Nichia, slogan của họ chính là "Customer First", có nghĩa "Khách hàng là ưu tiên số một". Ngay trong bảo tàng Nichia, câu slogan này được in đậm, phóng to, tạo ấn tượng mạnh mẽ thể hiện lòng hiếu khách của doanh nghiệp này.
Mạng xã hội trước đây từng lan truyền bức ảnh một doanh nhân người Nhật cúi đầu cảm ơn khách tới ổ xăng tại cây xăng do ông kinh doanh. Cái cúi đầu đấy hàm chứa cả một triết lý tuyệt vời mang thương hiệu Nhật Bản: "Chúng tôi sẽ buôn bán tử tế!".
Vì vậy, nếu bạn bước chân vào bất kỳ cửa hàng nào của người Nhật hay mang thương hiệu Nhật Bản, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân viên tươi cười, cúi gập người chào khách, thậm chí là người quản lý cùng nhân viên sẵn sàng cúi gập người xin lỗi khách hàng dù cho sự cố xảy ra chưa hẳn có nguyên nhân từ họ. Sự tử tế và lòng hiếu khách ấy thực sự đã giúp người Nhật hái quả ngọt trong kinh doanh.
Trong các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp, các câu khẩu hiệu là điều không thể thiếu nhằm hun đúc tinh thần hăng say làm việc và nâng cao năng suất lao động cho nhân viên.
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu ngày mới bằng một câu khẩu hiệu đồng thanh, giúp mọi nhân viên phấn chấn và trần đầy năng lượng làm việc.
Những câu khẩu hiệu này thường có nội dung gắn liền với mục tiêu công việc phải hoàn thành. Khi bạn lặp đi lặp lại mỗi ngày câu khẩu hiệu ấy, tự khắc bạn sẽ thấm nhuần mục đích mà bạn phải đạt được trong công việc. Đó cũng là lý do khiến hiệu suất làm việc của người Nhật luôn đạt mức cao nhất.
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia nghèo tài nguyên khoáng sản, nhưng lại mạnh mẽ vươn lên thành một cường quốc lớn thứ ba thế giới theo GDP danh nghĩa và lớn thứ tư theo sức mua tương đương (PPP).
Vậy đâu là bí quyết giúp người Nhật tận dụng sự thiếu thốn tài nguyên của mình để làm giàu và phát triển đất nước?
Phương án tối ưu được người Nhật vận dụng đó là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, ứng dụng công nghệ hiện đại của nước mình để tạo ra sản phẩm cuối cùng với chất lượng đỉnh cao rồi bán ra khắp thế giới.
Nhờ cách thức kinh doanh táo bạo này, Nhật Bản từ một nước nghèo nàn nguyên liệu và khoáng sản đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, mang lại thặng dư thương mại cao.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm