Thị trường hàng hóa
Trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, ngay từ sáng sớm, các chợ truyền thống tại Hà Nội đã đông đúc, tấp nập người mua, kẻ bán.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Tân Mai, chợ Nguyễn An Ninh và chợ Hôm - Đức Viên, so với mọi năm, mặt bằng giá cả trong dịp cận Tết năm nay không tăng “sốc”.
Một số mặt hàng thịt, cá có mức tăng nhẹ, trong khi giá hoa tươi, củ quả có mức tăng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn các năm trước. Dù vậy, mức tăng ở các chợ có phần khác nhau, càng vào trong trung tâm thành phố, mức tăng càng cao.
Cụ thể, giá gà trống hiện loanh quanh ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại. Giá gà mái thấp hơn, khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với trước đó.
Trong khi đó, giá thịt lợn hiện dao động trong khoảng 140.000 - 160.000 đồng/kg. Giá thịt bò khoảng 240.000 - 280.000 đồng/kg, tùy loại, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước đó.
Các mặt hàng rau củ quả, hoa tươi đang tăng nhanh. Các loại quả bày Tết như bưởi, quýt, thanh long ruột đỏ, dưa hấu đang tăng khoảng 20% - 40%, tùy loại.
Theo đó, thanh long ruột trắng đang có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ đã tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg lên 40.000 - 65.000 đồng/kg. Quýt Sài Gòn có giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, dưa hấu có giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, vú sữa có giá khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Cau tươi thắp hương khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/quả, phật thủ có giá từ 30.000 - 500.000 đồng/quả tùy loại. Trong các loại quả ngày Tết, chuối xanh là mặt hàng đang tăng mạnh nhất, hiện có giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/nải. Ngược lại, bưởi Diễn năm nay có giá khá rẻ, chỉ khoảng 15.000 - 30.000 đồng/quả.
Đối với rau xanh, giá bán khá ổn định. Cụ thể, su hào 5.000 - 7.000 đồng/củ; súp lơ xanh và trắng khoảng từ 10.000 -15.000 đồng/cái, cà rốt từ 5.000-10.000 đồng/kg, khoai tây từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, bắp cải từ 7.000-10.000 đồng/kg, rau cải ngồng 12.000 đồng/kg, dưa chuột từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, xà lách 10.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg, cà chua từ 8.000 - 12.000 đồng/kg,...
Với hoa tươi, do năm nay thời tiết khắc nghiệt, thời tiết không ổn định, nóng - lạnh bất thường, ít mưa đã khiến năng suất giảm ở hầu hết các vùng trồng quanh Hà Nội. Do đó, giá hoa có phần tăng cao hơn mọi năm.
Đơn cử, hoa cúc, hoa hồng giá từ 7.000 - 10.000 đồng/bông, hoa lay ơn giá từ 60.000 - 100.000 đồng/chục, hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai,...
Một số mặt hàng khác như bánh chưng ổn định, khoảng 40.000 - 100.000 đồng/cái, tùy kích cỡ. Giá vàng mã cũng duy trì ổn định, không tăng đột biến.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng hàng hóa của các đơn vị phân phối khá dồi dào, đầy đủ, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã; chất lượng thì bảo đảm, giá cả hợp lý với người tiêu dùng.
Tính đến thời điểm này, lượng tiêu dùng tại siêu thị đang tăng 20% so với năm trước. Đặc biệt, với tuần cao điểm này, dự kiến một ngày lượng khách sẽ tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối cũng đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10 - 15% để phục vụ khách hàng.
“Năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách online tăng trưởng 50% với những đơn hàng có giá từ 3 - 5 triệu đồng trở lên; đã phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân qua cả kênh online và offline”, bà Lan nói.
Đối với công tác bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người dân, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội; bảo đảm tất cả nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Các siêu thị tại Hà Nội cũng đang tích cực bình ổn giá cả trong dịp này. Nhiều siêu thị cũng sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng; mở thêm các quầy thanh toán, tối đa cách tính tiền để phục vụ khách; huy động tối đa lực lượng giao hàng, tăng ca và kết hợp hợp tác với các đối tác giao hàng để bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu giao hàng của khách hàng.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng BigC &GO! Khu vực Hà Nội và miền Bắc cho biết, để chuẩn bị cho Tết, đơn vị đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ Quý II/2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10 năm 2022, với nguồn hàng dồi dào.
“Các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều và ghi nhận sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian cận Tết này. Còn mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây là những mặt hàng sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn trong tuần tước Tết, với ghi nhận tăng 5-7 lần so với ngày bình thường”, ông Phong khẳng định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm