Thị trường hàng hóa
Một nửa thực đơn tại 3 quán cà phê của công đoàn tại trường Đại học Stirling sẽ là thuần chay vào đầu năm học 2023-24.
Kế hoạch táo bạo trên được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng và được xem là một nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Phong trào này được đưa ra bởi chiến dịch “Plant Based Universities” - một phong trào sinh viên được nhóm hoạt động tập thể Animal Rebellion hỗ trợ.
Chiến dịch trên đưa ra cảnh báo, “những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đã xuất hiện trên toàn cầu, các ngành công nghiệp như thịt, đánh bắt cá và sữa chắc chắn góp phần vào điều đó”. Các trường đại học là nơi đưa ra nhiều thông tin về khí hậu nên họ cần có biện pháp đối với vấn đề này.
Đa số thành viên tại cuộc họp của hội sinh viên Đại học Sterling đã bỏ phiếu ủng hộ việc loại bỏ thịt và sữa khỏi thực đơn.
Nhà vận động môi trường, nhà báo và nhà văn George Monbiot đã ca ngợi hội sinh viên Đại học Stirling. Ông nói rằng thật tuyệt vời khi thấy thế hệ tiếp theo nắm quyền kiểm soát tương lai của họ và đặt con người, động vật và hành tinh lên hàng đầu. Theo ông, các nhà vận động tại trường đại học này đang dẫn đầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu và tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững.
Nông nghiệp chăn nuôi là một nguồn phát thải carbon lớn. Sản xuất lương thực đóng góp khoảng 37% lượng khí thải nhà kính của thế giới, đặc biệt là thịt gây ra lượng khí thải gấp đôi so với các loại thực phẩm khác.
Phát thải từ chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra. Thịt công nghiệp là nguyên nhân lớn nhất gây ra nạn phá rừng, những khu rừng rộng lớn bị đốn hạ để lấy đất chăn thả gia súc.
Nếu thế giới chuyển sang thuần chay, lượng khí thải từ thực phẩm sẽ giảm khoảng 70%, nghiên cứu từ Đại học Minnesota của Mỹ cho thấy.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm