Thị trường hàng hóa
Những ngày này, tại làng cốm Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) người dân đang tất bật sản xuất cốm, đây là vụ cốm lớn nhất trong năm.
Mỗi năm làng cốm Mễ Trì, có 2 vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Cốm vụ mùa trong tiết trời vào thu là ngon nhất (từ tháng 9 đến tháng 10). Nhiều người làm cốm Mễ Trì rất vui vì năm nay sản lượng bán ra được nhiều, lại được giá.
Dạo qua những nhà làm cốm lâu năm tại làng cốm Mễ Trì như bà Nga, ông Minh, chị Hiền đều cho biết: Giá cốm Mễ Trì năm nay tăng cao. Trung bình giá cốm bán buôn tại xưởng chế biến những năm trước chỉ từ 130 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg. Trong khi đó giá cốm Mễ Trì từ đầu vụ dao động từ 170 nghìn đồng đến 190 nghìn đồng/kg, thậm chí có những hôm lên đến 200 nghìn đồng/kg. Đấy là giá bán buôn còn giá bán lẻ từ 210 nghìn đồng đến 230 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh cốm được giá, sản lượng cốm Mễ Trì bán ra cũng tăng cao. Trước đây những những gia đình làm cốm Mễ Trì trung bình bán khoảng 60 - 70 kg/ngày thì nay đều bán được xấp xỉ trên dưới 1 tạ cốm thành phẩm. Đã thế hầu như cốm làm đến đâu bán hết đến đó không phải mang ra chợ. Chị Hiền chia sẻ, những năm trước, ngoài bán buôn tôi phải mang đi các chợ ngồi bán lẻ, nhưng năm nay cốm làm đến đâu bán buôn hết đến đó. Thậm chí có những hôm hơn 9 giờ sáng đã hết hàng. Lý giải về giá cốm năm nay tăng cao, ông Vinh cho rằng, giá lúa nếp làm cốm năm nay cũng tăng. Nguyên nhân 2 năm trước do dịch Covid-19 những người trồng lúa nếp làm cốm các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… không bán được nên năm nay họ trồng ít. Chính vì thế chúng tôi phải mua lúa làm cốm với giá cao. Bình thường giá lúa chúng tôi mua khoảng 18 triệu đồng/tấn, thì năm nay giá mua vào khoảng 28 triệu đồng/tấn.
Thời điểm này chính là giai đoạn cao điểm sản xuất trong vụ mùa cốm lớn nhất trong năm của làng cốm Mễ Trì. Người dân làng cốm Mễ Trì sôi động hẳn lên với những âm thanh của tiếng chày giã cốm, tiếng sàng sảy để kịp làm những mẻ cốm thơm dẻo phục vụ cho khách hàng.
Thay vì làm cốm hoàn toàn thủ công, thì nay các hộ trong làng cốm Mễ Trì đã áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào các khâu làm cốm, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm