Thị trường hàng hóa
Được thúc đẩy bởi đường lối chính sách của Fed, đồng USD đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này đe dọa đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như khiến Ngân hàng Trung ương nhiều nước khó kiềm chế lạm phát. Theo ước tính, trong vòng 1 năm trở lại đây, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 22%.
Khi các kênh đầu tư như cổ phiếu, tiền mã hóa đều ảm đạm, nhiều nhà đầu tư tìm thấy cơ hội kiếm lời từ sự biến động của đồng USD. Phần còn lại đang lo ngại giao dịch USD đã trở nên đông đúc quá mức, khả năng xảy ra cuộc bán tháo khi đồng tiền này có sự thay đổi khá lớn.
Theo ông Calvin Tse, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng BNP Paribas, vị thế đặt cược vào đồng USD đang rất lớn. Nếu có một chất xúc tác nào đó khiến tỷ giá USD có thể đảo chiều thì có thể tạo ra rủi ro hàng loạt nhà đầu tư sẽ tìm cách rút khỏi thị trường.
Kết thúc ngày 20/9, các nhà đầu cơ trên thị trường tiền tệ quốc tế nắm giữ lượng trạng thái ròng đầu cơ giá vào USD đạt 10,23 tỷ USD. Dù con số này thấp hơn mức đỉnh là gần 20 tỷ USD thiết lập vào tháng 7, nhưng đã đánh dấu chuỗi thời gian dài thứ 3 kể từ năm 1999 các nhà giao dịch nắm giữ trạng thái ròng đầu cơ giá lên đối với USD.
Từ đầu năm đến nay, giới đầu tư đã có 62 tuần liên tiếp đặt cược ròng vào sự tăng giá của đồng USD. Theo khảo sát do Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) thực hiện, trong tháng 9 này, 56% người tham gia coi đồng USD là giao dịch an toàn nhất. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp USD giữ vị trí số 1 trong cuộc khảo sát của tổ chức này.
Số liệu thống kê chỉ ra lạm phát tháng 8 của Mỹ tăng nhanh hơn, điều này dự báo sẽ thúc đẩy đà tăng của đồng bạc xanh. Trong bối cảnh đó, mối nguy từ sự gia tăng giao dịch đầu tư USD càng rõ rệt. Công ty quản lý tài sản Bailard nhận định đồng USD dễ rớt giá so với đồng Euro hoặc đồng yên từ 10-15%.
Việc các nhà đầu tư đặt cược quá nhiều vào USD có thể làm gia tăng nguy cơ đảo chiều của tỷ giá đồng tiền này. Bên cạnh đó, Chiến lược gia Tse của BNP Paribas cho rằng biến động lãi suất ở Mỹ giảm, giá năng lượng ở châu Âu có xu hướng giảm và Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid đang là 3 yếu tố khiến đồng USD chuyển từ thị trường tăng trưởng (bull market) sang trạng thái thị trường đầu cơ suy giảm (bear market).
Khi cả ba yếu tố đó cùng xuất hiện, đồng USD sẽ bị bán tháo. Dù vậy, ông Tse dự báo xu hướng đó sẽ không sớm xảy ra.
Sau quyết đinh tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp của Fed vào ngày 21/9, khoảng cách lãi suất ở Mỹ đã được kéo ra khá rộng so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, hầu hết các Ngân hàng Trung ương lớn, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cũng đều phản ứng bằng cách tăng lãi suất để chống lạm phát. Nhờ đó, sự mất giá mạnh của đồng nội tệ các nền kinh tế này phần nào được hãm lại.
Hiện, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt đều làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ dịch chuyển chính sách tiền tệ sang mềm mỏng. Trong trường hợp đó, đồng USD sẽ mất đi một động lực tăng giá quan trọng.
Nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của Công ty Brandywine Global cho biết nếu triển vọng kinh tế Mỹ sụt giảm, đồng USD cũng có thể suy yếu. Các chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của Fed đang làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm tới.
Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực Eurozone (Các nước sử dụng đồng Euro) đều đang có tín hiệu bất ổn, chỉ cần một đòn giáng nhẹ trong năm tới cũng đủ khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong lúc tỷ giá USD đang lập những đỉnh mới thời gian qua, việc chuẩn bị trạng thái cho sự sụt giảm của đồng USD dường như là điều mà nhiều nhà đầu tư chưa nghĩ đến.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm