Thị trường hàng hóa
Lãnh đạo giống như một kiến trúc sư (Architect)
Để mở rộng quy mô doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần tạo ra văn hóa và năng lực khuyến khích mọi người trong tổ chức - từ nhân viên tuyến đầu đến các giám đốc cấp cao - luôn sẵn sàng cho sự đổi mới.
Các công cụ và dữ liệu kỹ thuật số là những yếu tố quan trọng cho phép tập thể đồng sáng tạo. Các nhà lãnh đạo có thể sử dụng năm đòn bẩy để thiết kế, xây dựng và phát triển kiến trúc tổ chức đổi mới theo thời gian, đó là: phong cách lãnh đạo, tài năng, cấu trúc, mô hình hoạt động và các công cụ.
Với những đòn bẩy này, các nhà lãnh đạo xóa bỏ các rào cản hạn chế sự sáng tạo và xây dựng tư duy, hành vi cần thiết cho việc đồng sáng tạo. Những nỗ lực của các nhà lãnh đạo cho phép cấp dưới được trao quyền nhiều hơn, thúc đẩy tư duy và tính sáng tạo thay vì phản ứng và chỉ tập trung giải quyết vấn đề một cách đơn thuần.
Lãnh đạo như một người bắc cầu (Bridge)
Khuyến khích sự đổi mới trong tổ chức đã là một thách thức, nhưng càng thách thức hơn khi khuyến khích nhân viên làm việc chặt chẽ với những người bên ngoài phòng ban hay ngoài doanh nghiệp. Dù vậy, đó chính xác là những gì một nhà lãnh đạo bắc cầu phải làm: tiếp cận một cách có hệ thống các nhân tài vốn bị ngăn cách như những bức tường giữa các phòng ban, bộ phận hoặc giữa các công ty.
Để làm điều đó một cách hiệu quả, nhà lãnh đạo cần thiết lập các kết nối xã hội, tạo cảm giác tin tưởng, ảnh hưởng lẫn nhau và có cam kết chung giữa các tổ chức, lĩnh vực, ngành ngành nghề và khu vực địa lý. Đã có quá nhiều nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào các hợp đồng và quyền sở hữu trí tuệ mà không tạo được liên kết xã hội cần thiết cho sự hợp tác, thử nghiệm và học hỏi với nhiều bên khác nhau.
Xây dựng một nhóm các nhà tư tưởng, công nghệ và chiến lược hình thành cầu nối cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Từ đó có được những đối tác phù hợp, sắp xếp họ theo những chiến lược chung và tích hợp khả năng của họ vào một giải pháp nhất quán.
Lãnh đạo như chất xúc tác (Catalysts)
Trong xu hướng Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation), các nhà lãnh đạo xuất sắc thường thu hút các cá nhân và các nhóm trong hệ sinh thái rộng lớn bao quanh tổ chức đồng sáng tạo cùng với tổ chức của mình. Để các ý tưởng đến nhanh hơn, công việc của lãnh đạo - chất xúc tác là khuyến khích và đẩy nhanh các hoạt động hợp tác đa bên đó.
Các nhà lãnh đạo - xúc tác cần chủ động quản lý mạng lưới các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau xung quanh tổ chức của mình. Họ lập bản đồ các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó đồng thời kích hoạt và trao quyền cho những người đóng vai trò quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, với các công ty, chính phủ, cá nhân bên ngoài ngành, nhà lãnh đạo có rất ít quyền kiểm soát trực tiếp. Những nhân tố này được coi là những "nghi phạm bất thường". Nếu các nhà lãnh đạo không thể xác định và làm việc với những “nghi phạm bất thường” này, nỗ lực đổi mới của tổ chức của họ có thể bị cản trở.
Không lệ thuộc vào quyền lực chính thức
Ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo thấy mình cần phải thực hiện đồng thời chức năng của kiến trúc sư, cầu nối và chất xúc tác. Đây là quan điểm về lãnh đạo khác với các quan điểm đã có trước đây.
Khi mọi người lần đầu tiên trở thành nhà quản lý, hầu hết đều tin rằng quyền lực của họ bắt nguồn từ vị trí của họ trong hệ thống phân cấp. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra rằng những người tài năng nhất lại có thể không tuân theo mệnh lệnh. Mặc dù các nhà lãnh đạo có thể nghĩ rằng tuân thủ là những gì họ muốn, nhưng cam kết mới là những gì họ cần. Nếu mọi người không cam kết, họ sẽ không chủ động hoặc chịu rủi ro cần thiết để thực hiện hoặc tham gia vào sự đổi mới.
Thực tế này là thách thức ngay cả với những nhà quản lý giàu kinh nghiệm nhất. Trong đổi mới, quyền lực chính thức lại là nguồn quyền lực rất hạn chế, bởi vì đổi mới là một hành động tự nguyện, các nhà lãnh đạo cần mời gọi sự đổi mới và tạo không gian cho cấp dưới thực hiện đổi mới chứ không phải ra lệnh và kiểm soát.
Vậy làm thế nào để các nhà lãnh đạo có thể đưa tổ chức của mình trở thành một “cường quốc sáng tạo”? Câu trả lời chính từ sự chuyển mình của người đứng đầu: thể hiện sức ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ của quyền lực chính thức; chủ động hợp tác, thử nghiệm và học hỏi từ những đối tác tiềm năng bên trong và bên ngoài tổ chức.
Là kiến trúc sư, các nhà lãnh đạo cần xây dựng văn hóa và khả năng đồng sáng tạo. Với tư cách là cầu nối, họ sắp xếp và cho phép các mạng lưới nhân tài trong và ngoài tổ chức của họ cùng sáng tạo. Và với tư cách là chất xúc tác, họ dẫn đầu vượt ra ngoài ranh giới tổ chức của mình để tiếp thêm sinh lực và kích hoạt đồng sáng tạo trên toàn bộ hệ sinh thái.
Phân tích nhóm vai trò ABCs (Architect, Bridge, Catalysts) cho thấy tại sao việc phát triển tư duy đổi mới cùng với kỹ năng của nhà lãnh đạo lại có vai trò quan trọng đối với tương lai của mỗi doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa như hiện nay./
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm