Thị trường hàng hóa
Có lần, tôi về quê thăm bà nội ở bên kia con sông Đuống dập dềnh phù sa mùa nước nổi. Mẹ mua thêm cho tôi ít bánh gio gửi bà nội làm quà. Bà bóc bánh gio ăn, chấm lẫn với đường kính trắng hoặc mật mía. Bà khen ngon rồi dặn tôi lần sau về quê hãy mang bánh gio làm quà vì bà chỉ thích ăn thứ bánh đó. Thế nhưng thời gian trôi qua, bà đã đi xa rồi, mỗi lần về quê tôi vẫn mang bánh gio gửi bà, nhưng chỉ đặt trên bàn thờ, thắp nhang cho bà rồi lại mang xuống cho mọi người ăn, còn lòng tôi thì rưng rưng nhớ.
Ở cuối ngõ nhà tôi có bác Tám chuyên gói bánh gio. Bác Tám là người làng tôi đi lấy chồng xa mãi tận trên Tây Bắc, chẳng biết hôn nhân không trọn vẹn thế nào mà hai mẹ con bác ấy trở về đây sống được mười năm bên căn nhà nhỏ. Ngày nào bác cũng gói bánh gio mang ra chợ bán. Bánh bác thì ngon mà cuộc đời bác thì buồn. Nỗi buồn cô đơn hằn lên trên khóe mắt của bác.
Tôi hay chạy sang nhà bác chơi và xem cách bác làm bánh. Đầu tiên bác thu thập rất nhiều vỏ bưởi, vỏ đỗ, vỏ từ thân cây sắn và rất nhiều quả xoan đào phơi thật khô để đốt thành tro. Hình như những thứ vỏ đó đốt thành tro có mùi rất thơm và đượm nên mỗi khi nhà tôi gom được ít vỏ bưởi, vỏ đỗ mẹ tôi lại bảo mang sang cho bác Tám đốt để gói bánh gio.
Những nắm tro được vun nhỏ trong một chiếc chậu sành. Bác Tám pha một chút nước vôi trong vào nước lọc và đổ vào chậu sành. Đợi cho nước lọc và tro quện lại với nhau, bác lọc bã tro lại và gạn nước từ tro ra thành một thứ nước màu vàng sậm như mật ong.
Bác Tám chọn những hạt gạo nếp cái hoa vàng mẩy căng ngâm nước khoảng 3 tiếng đồng hồ để ráo. Sau đó, bác pha một bát nước tro tinh chất với một lít nước lọc trộn vào với gạo nếp. Công đoạn này phải trộn thật khéo sao cho tỷ lệ vừa đủ, đều, để khi ăn không bị ngán quá mà cũng không có cảm giác bánh bị thiếu nước gio.
Khi gạo và nước tro đã ngấm vào nhau, bác Tám gói vào chiếc lá dong và buộc cố định lại bằng sợi dây gai hoặc dây cước. Chiếc bánh hình chữ nhật, to khoảng 3 đốt ngón tay để vừa ăn. Cũng có khi, bác Tám sáng tạo lại gói thành hình củ ấu như hình lục giác. Cả một rổ chất đầy bánh gio được bác Tám cho vào nồi luộc chín. Bánh gio chín rất nhanh nên chỉ cần ninh trong 1 giờ là có thể vớt bánh ra được rồi.
Những chiếc bánh gio thơm mùi gạo nếp, quyện với mùi tro ngai ngái nhưng ăn vào rất mát và trong. Bánh gio thường chấm với đường hoặc mật mía đều được. Bác Tám bóc bánh cho tôi ăn thử một chiếc đầu tiên, bóc lớp bánh ra, chiếc bánh nổi vân từng hạt gạo nếp trong suốt như nhìn thấy tận giữa bên trong chiếc bánh. Bánh ăn tới đâu, dẻo, thơm và mát ruột tới đó.
Bác Tám lại xếp bánh vào rổ, đặt lên chiếc xe đạp, chằng dây thun cẩn thận. Bác đội chiếc nón lá rồi đi ra phía chợ để bán cho kịp buổi chợ chiều ở quê tôi. Bánh gio không đắt, bác chỉ bán năm nghìn đồng một chiếc nhưng ẩn chứa trong đó là cả hương vị tình quê, chắt chiu từ cuộc sống nông thôn bao đời nay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm