Thị trường hàng hóa
Việt Nam chúng ta có những giá trị di sản nổi bật, gần như địa phương nào cũng sở hữu hệ thống di sản đa dạng, nếu biết khai thác để tạo được sự thống nhất trong đa dạng, đưa ra giá trị di sản cốt lõi nhất cho Việt Nam, thì khi bạn bè quốc tế nhắc đến chúng ta, họ có thể nói được một cách rành mạch rằng ta có những di sản nào, giá trị văn hóa của Việt Nam ra sao…
Di sản văn hóa Việt Nam rất phong phú, nhưng để tạo ra giá trị cốt lõi thì Bộ VHTTDL cần nghiên cứu về thương hiệu di sản quốc gia. Theo đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những phát biểu tại các diễn đàn văn hóa, các hội nghị du lịch của thế giới, làm sao truyền đạt thành công thông điệp về một Việt Nam giàu di sản văn hóa, giàu bản sắc dân tộc một cách thật dễ hiểu, dễ nhớ…, để khi du khách và bạn bè quốc tế nghĩ đến Việt Nam, họ sẽ có được những ý niệm về giá trị của di sản văn hóa chúng ta, tức là lúc đó chúng ta đã xây dựng được thương hiệu di sản văn hóa cho riêng mình.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng văn hóa ứng xử, lối sống của mỗi con người cũng là yếu tố không thể xem nhẹ. Việt Nam được biết đến là đất nước thân thiện, hiếu khách, vậy chúng ta cần phải duy trì điều đó, nhưng quan trọng hơn là phải thể hiện được bản sắc một cách rõ nét. Chúng ta nằm trong cộng đồng văn hóa châu Á, hiện nay du khách quốc tế châu Âu và châu Mỹ vẫn chưa phân tách được sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam với các nước trong khu vực, do ta chưa tạo được điểm nhấn và đâu đó còn có sự “tương đồng”… Điều này liên quan đến công tác quảng bá, chúng ta cần phải xác định được giá trị của mình khi nói với bạn bè quốc tế. Do đó, có thể nói, để phát triển du lịch tựa vào nền tảng di sản và văn hóa, chúng ta cần tạo ra sự khác biệt, lan tỏa những thông điệp đúng và dễ nhớ, dễ hiểu “găm” vào tâm trí của du khách.
Ngoài ra, ở Việt Nam, một yếu tố tiềm năng nữa là du lịch xanh. Việt Nam ta trải dài trên bản đồ hình chữ S với đa dạng sông ngòi và màu xanh từ biển, xanh từ cây… đó là đặc thù rất lớn mà ta cần tạo cho du khách khi nghĩ đến du lịch Việt Nam. Điều đó cũng nói lên văn hóa trong phát triển du lịch bền vững, văn hóa của những người Việt Nam giữ gìn được tính “xanh” của môi trường thiên nhiên, tự nhiên bền vững để tạo ra những giá trị đó. Ba yếu tố: Di sản - văn hóa - du lịch xanh sẽ tạo được “chân kiềng” bền vững, góp phần phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Để góp phần cho công cuộc này, việc đào tạo về du lịch của Trường ĐH Hoa Sen luôn cập nhật những xu hướng, những giá trị mới của du lịch Việt Nam, đặc biệt là yếu tố văn hóa được đặc biệt chú trọng. Vừa qua, chúng tôi đã chuẩn hóa quốc tế vào mỗi chương trình giảng dạy, nhưng quan trọng nhất là vẫn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, chương trình đào tạo du lịch của Trường cũng gắn với rất nhiều yếu tố thực tiễn, cho nên bất kỳ môn học nào, các bạn sinh viên cũng được tạo điều kiện thực nghiệm và thực hành, nghĩa là các bạn sẽ được kết hợp việc đi khám phá các giá trị văn hóa tại TP.HCM và những chuyến đi kiến tập, thực tập tại các tỉnh, thành khác để làm giàu kiến thức văn hóa và tăng cường trải nghiệm cho mình… Để xây dựng những thế hệ tương lai làm du lịch theo xu hướng hội nhập, văn hóa mà chúng tôi bồi đắp cho sinh viên là tôn trọng sự khác biệt. Tức là các em được đào tạo tôn trọng những ý kiến phản biện, cả cách ứng xử trong nhà trường, để tạo ra khác biệt trong sự thống nhất chung của toàn trường. Chính những điều này, trong suốt 4 năm trên giảng đường, môi trường văn hóa trong nhà trường sẽ trau dồi một lớp thế hệ trẻ luôn tự hào về bản sắc, như một hành trang để các em tự tin khi hội nhập, bên cạnh kiến thức chuyên môn là những kỹ năng cần thiết về văn hóa, xã hội.
Một yếu tố không thể bỏ qua trong đẩy mạnh văn hóa đối ngoại là ngoại ngữ. Năm 2022 chúng tôi đào tạo 50% chương trình tiếng Anh, 50% tiếng Việt; và dự kiến đến 2024, chúng tôi đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Ngoại ngữ là vốn quan trọng để chúng ta tự tin thể hiện những vốn giá trị mình có được đến bạn bè quốc tế.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm