Thị trường hàng hóa
Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chạy đua mở rộng đội tàu
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vận tải biển trong nước dồn dập lên kế hoạch mở rộng đội tài nhằm mục đích củng cố thị phần, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ.
Điển hình tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS), ngày 19/11 tới đây sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để bàn kế hoạch mua tàu mới.
Ngoài chủ trương đầu tư 1 tàu hàng rời từ 50.000 – 70.000 DWT đã được ĐHĐCĐ thông qua, công ty muốn đầu tư mua thêm 2 tàu hàng rời cỡ Supramax đã qua sử dụng, size 56.000 – 58.000 DWT.
Bên cạnh đó, công ty muốn bổ sung kế hoạch đầu tư đóng mới thêm 3 tàu dầu sản phẩm MR, size khoảng 50.000 DWT. Và đóng mới thêm 4 tàu hàng rời cỡ Ultramax, size 62.000 –66.000 DWT .
Hiện tại, Vosco quản lý và khai thác 13 tàu, tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT. Trong đó công ty sở hữu 9 chiếc gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời và 2 tàu container. Tàu thuê ngoài gồm 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu hóa chất.
Trước đó, tàu gần nhất mà công ty đầu tư là Vosco Sunrise nhận vào năm 2013, kể từ đó đến nay, công ty chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém… mà chưa đầu tư thêm được tàu
Không nằm ngoài cuộc đua đầu tư tàu mới của các doanh nghiệp vận tải biển. Vừa qua, HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã: HAH) đã thông qua việc vay tối đa 312,5 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Mục đích đầu tư tàu container Toro. Bên bán tàu là Lamda Seatrading S.A có trụ sở tại Liberia.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), trong giai đoạn từ 2021- 2023, Xếp dỡ Hải An đã đầu tư mua và đóng thêm 9 tàu so với 7 tàu hiện hoạt động trước 2021.
Tính đến cuối tháng 8 năm nay, công ty sở hữu 15 tàu, với tổng sức chở là 23.000 TEU, tương đương 31% thị phần sức chở container trong nước. Đến tháng 9, Xếp dỡ Hải An cũng thông qua chủ trương đầu tư thêm một tàu cũ loại Panamax với sức chở từ 3.500-5.000 TEU nhằm tham gia vào các tuyến vận tải khu vực xa hơn.
Tương tự, hồi tháng 9/2024, CTCP Vận tải Biển Vinaship (mã: VNA) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để lên kế hoạch mua tàu.
Theo đó, Vinaship dự kiến đầu tư 1 tàu biển chở hàng khô với trọng tải từ 28.000 – 32.000 DWT, đóng từ năm 2009 - 2013 (dưới 15 tuổi), nơi đóng là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, tương đương 306 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng 50% vốn tự có, còn lại là vốn vay ngân hàng.
Theo lãnh đạo Vinaship, đội tàu của công ty hiện có độ tuổi trung bình cao, chi phí vận hành cao nhưng quy mô đội tàu lại nhỏ, năng lực bổ trợ yếu nên giá thành vận tải của công ty trong nhiều trường hợp kém tính cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường.
Còn tại Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT)- đơn vị sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, tính đến cuối tháng 10/2024, đã hoàn tất việc tiếp nhận thêm 6 tàu mới, bao gồm tàu dầu thành phẩm, tàu hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) đến tàu hàng rời, nâng tổng số đội tàu lên 58 chiếc với tổng công suất lên tới 1,7 triệu DWT.
Trong kế hoạch đầu tư của công ty, giai đoạn 2024-2025, PVTrans dự kiến rót 819 triệu USD để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động lên 82 tàu, tương đương tổng công suất đến 2,5 triệu DWT.
Kế hoạch đầu tư của riêng năm 2024 là 492 triệu USD cho việc phát triển 21 tàu mới. Con số này dùng để chi mua 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời.
Giá cước vận tải biển tiếp tục tăng
Trong báo cáo triển vọng ngành cảng biển, vận tải biển, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo giá cước vận tải duy trì ở ngưỡng cao trong nửa cuối năm nay khi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm quý III, quý IV. Hơn nữa, thị trường đang có dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn, điều này sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.
Mặt khác, TPS cho rằng, sẽ có vài yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11), đồng thời hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại, điều này giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ Châu Á – EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.
Song, TPS cũng lưu ý về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với số lượng lớn tàu được giao trong 2024 lớn, giá cước vận tải container và giá cho thuê tàu cũng như nhu cầu thuê sẽ khó tiếp tục duy trì ở mức cao khi các yếu tố về thay đổi tuyến đường trên kênh đào Suez kết thúc.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm