Thị trường hàng hóa
Vợ chồng anh Nguyễn Hửu Tài và chị Nguyễn Thị Thùy Trang cùng sinh năm 1991, ngụ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn tại TP Cần Thơ, trong thời gian công tác, anh chị được tiếp xúc nhiều với nhiều người canh tác nông nghiệp theo lối truyền thống, được đồng hành, chia sẻ nên dần thấu hiểu được nỗi lòng của người nông dân.
Với niềm đam mê, tìm tòi nghiên cứu, làm sao giúp được nông dân dần thay đổi lối suy nghĩ trong canh tác nông nghiệp truyền thống, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi nhuận cao và bền vững, tránh được điệp khúc "được mùa - mất giá". Vì thế, sau hơn 9 năm làm việc tại cơ quan, anh chị đã quyết định từ bỏ một công việc tương đối ổn định để về quê thực hiện những ước mơ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên cây dưa lưới.
“Là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm nhưng người dân ĐBSCL vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng trái cây được trồng bằng công nghệ cao tại địa phương với mức giá hợp lý. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch là xu hướng phát triển tất yếu đang được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, thêm vào đó tiềm năng và thị trường tiêu thụ trái cây sạch trong nước rất lớn. Vì thế, chúng tôi luôn mong muốn sản xuất ra các loại nông sản sạch, trước mắt ứng dụng trên cây dưa lưới, vừa có giá trị kinh tế, lại thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là động lực và mục tiêu để khởi nghiệp của nhóm chúng tôi ”, anh Nguyễn Hửu Tài chia sẻ.
Từ mong muốn trên, sau thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch thực hiện, vợ chồng thạc sỹ trẻ này quyết định dồn hết tâm trí, vốn liếng tích lũy trong thời gian qua để thực hiện mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Để có thể toàn tâm toàn ý cho việc khởi nghiệp, vợ chồng anh Tài đã đưa ra quyết định khá táo bạo, xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, về quê thành lập một nhóm, hội tụ những anh em cùng chung lý tưởng để thực hiện dự án khởi nghiệp này.
Anh Nguyễn Hửu Tài cho biết, nhóm sản xuất của vợ chồng anh gồm 5 thành viên trẻ. Các thành viên trong nhóm đều có chung lý tưởng cùng nhau sản xuất ra sản phẩm sạch, có giá trị cao, bền vững với môi trường. Xây dựng chuỗi giá trị khép kín, ngay từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói và phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý nhất, để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm sạch - an toàn, không chỉ đối với người có tài chính mà người có mức thu nhập trung bình cũng có thể mua sử dụng thường xuyên.
Theo anh Tài, mô hình sản xuất dưa lưới sạch hấp dẫn ở chỗ giảm thiểu tối đa phân vô cơ, chủ yếu dùng phân hữu cơ, thân thiện môi trường và không làm giảm độ phì nhiêu của đất.
Trồng dưa lưới theo công nghệ nhà màng là công nghệ tiên tiến hiện nay, với giống dưa có xuất xứ từ Nhật, vừa tiết kiệm nước và phân bón do khi trồng, chúng tôi sử dụng các ống nhỏ giọt đến từng túi giá thể (là loại hỗn hợp có thể giữ được nước cũng như tạo được độ thoáng nhất định giúp cây có thể sinh trưởng và phát triển) để cung cấp lượng nước, dinh dưỡng bảo đảm cho cây phát triển tốt.
Anh Tài cho biết thêm, áp dụng công nghệ nhà màng giúp cây trồng chống chọi nhiều dịch bệnh, đồng thời vẫn bảo vệ được tài nguyên đất. Do dưa lưới được trồng trong những giá thể tách biệt với đất, canh tác nhà màng còn có thể chống được nấm khuẩn theo nước mưa và ngăn được côn trùng xâm nhập, từ đó cây khỏe, ít bị bệnh bệnh, chủ yếu bón phân hữu cơ nên không gây ô nhiễm đến môi trường.
“Chúng tôi bắt đầu trồng dưa lưới công nghệ cao từ năm 2019 với khoảng 1000 m2 tại TP Cần Thơ, trồng được 2 năm thấy mô hình này rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận rất cao nên từ cuối năm 2021, vợ chồng tôi quyết định "bỏ phố - về quê" ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thành lập nhóm khởi nghiệp, sản xuất dưa lưới công nghệ cao thân thiện môi trường và xây dựng được mạng lưới cung ứng khép kín nhằm để giảm giá thành sản xuất, mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm an toàn với giá vô cùng hợp lý”, anh Tài nói.
Với mô hình này, thời gian trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 2,5 tháng và có thể trồng 5 vụ/năm. Như vậy, với 4000m2 nhà màng sẽ cho khoảng 72 tấn sản phẩm/năm. Mức giá thị trường hiện tại dao động từ 50 đến 60 ngàn đồng/ký, nhóm sản xuất này sẽ thu về hơn 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc sản xuất theo mô hình công nghệ cao cần có chi phí ban đầu khá lớn. Phần nhà màng có vật liệu được nhập từ nước ngoài, cộng với nhân công lắp ghép, theo tính toán, đầu tư 1000 m2 (tương đương 1 công đất - loại đơn vị đo diện tích tại Nam Bộ, sấp xỉ 0,1ha) nhà màng tốn khoảng 600 triệu đồng (cả tiền thuê đất), sẽ tương đương với chí phí trồng 4000 m2 (4 công) cam sành - loại cây có giá trị kinh tế cao ở địa phương.
Tuy nhiên, nếu tính lợi nhuận trong 5 năm thì 4 công cam sành mới bằng 1000 m2 dưa lưới nhà màng, trong khi trồng cam thì đất sẽ giảm độ phì nhiêu do sử dụng thuốc hóa học, phân bón hóa học, từ đó làm ảnh hưởng đến môi trường đất/nước/không khí, khả năng lưu tồn các hóa chất trong trái cao, còn việc ứng dụng trồng theo công nghệ nhà màng thì khoảng 10 năm sau mới phải làm lại nhà màng mới .
“Dưa lưới sạch là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe vì mang rất nhiều vitamin và khoáng chất. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai vì hàm lượng acid folic trong dưa lưới cao, bên cạnh đó, rất phù hợp ăn chay theo hướng dưỡng sinh...”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho hay.
Cuối tháng 9, vườn dưa lưới 4000 m2 của anh chị sẽ vào mùa thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 15 tấn. Tuy nhiên, với sản lượng như vậy thì cung vẫn không đủ cầu. Hiện, ngoài 4000 m2 sản xuất dưa lưới công nghệ cao, nhóm còn manh dạn liên kết trực tiếp với người nông dân sản xuất hàng chục ha chuối, bưởi da xanh… dùng phân hữu cơ, sạch, thân thiên môi trường.
Sản phẩm dưa lưới đã được nhóm "mặc áo" với thương hiệu, nhãn mác rõ ràng, mục tiêu là các siêu thị, cửa hàng nông sản trái cây sạch, cửa hàng tiện lợi… với sản lượng khoảng 10 tấn trái cây sạch/tháng. Để giảm chi phí, giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, nhóm đã thành lập Công ty cung ứng nông sản và vận tải nhanh Phúc Giờ Giây, hoạt động theo phương châm “hợp tác - kết nối - phát triển”.
"Hợp tác trực tiếp với người nông dân, bỏ qua khâu trung gian (thương lái), hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá cố định hoặc theo thị trường, tùy thỏa thuận để người dân an tâm. Kết nối với các đơn vị phân phối, kết nối trực tiếp với người bán lẻ. Và doanh nghiệp - nông dân phải cùng nhau phát triển.” anh Phan Văn Giây, thành viên nhóm cho biết.
Theo chị Trang, ngoài lợi nhuận thì mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mọi người dân, kể cả người nghèo, người có thu nhập thấp đều có thể sử dụng sản phẩm trái cây sạch, chất lượng cao với giá cả hợp lý. Ngoài ra, để đẩy nhanh tốc độ bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhóm còn tận dụng triệt để các nền tảng công nghệ số như zalo, facebook, trang fanpage… để tổ chức bán sỉ, lẻ, trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ về những dự định thời gian tới, anh Tài cho biết , với những thành công bước đầu, nhóm sẽ tiếp tục liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất với người nông dân. Trước mắt mở rộng thêm khoảng 2000 m2 để có đủ sản phẩm phân phối dựa trên nền tảng mà nhóm hiện có. Tương lai sẽ tìm cách cung ứng đủ nhu cầu của thị trường.
“Hiện nay sản lượng dưa lưới sạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn, vì thế, nếu có đủ sản lượng cung ứng thị trường trong nước, chúng tôi sẽ liên kết một số đối tác nước ngoài để xuất khẩu, quảng bá dưa lưới công nghệ cao mang thương hiệu Việt”, anh Tài bày tỏ.
Cũng theo anh Tài, mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn khá mới mẻ, đòi hỏi tính chuyên sâu. Vì vậy, chúng tôi cũng mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ về vốn, về lãi suất vay để có thêm nguồn lực, đầu tư, phát triển và thu hút nông dân làm ra những sản phẩm sạch, bền vững và mang lại lợi nhuận cao.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm