Thị trường hàng hóa
Sáng 21/11, Cục TMĐT và kinh tế số (TMĐT&KTS) (Bộ Công Thương) đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Quốc gia TMĐT và KTS ngành Công Thương 2023 (Vietnam Digital Industry and Trade Summit 2023).
Diễn đàn (với 1 phiên toàn thể buổi sáng và 2 phiên hội thảo chuyên đề buổi chiều) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, kết nối các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số (CĐS) uy tín; các sàn TMĐT, các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng CĐS, hạ tầng hỗ trợ thanh toán điện tử, logistics chuyển phát.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%.
Nền kinh tế Việt Nam cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như số lượng đơn hàng suy giảm, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, TMĐT và KTS Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển KT-XH.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 01/11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng KTS nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 02 năm tới của KTS tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực TMĐT.
Trong đó TMĐT được ghi nhận là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền KTS với những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua.
Theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục TMĐT và KTS cho thấy doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tương đương 25% so với năm 2022.
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép khoảng 20%. Trong khi đó, theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, dự kiến tới năm 2025, TMĐT của Việt Nam có thể đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 34% - mức cao nhất trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường TMĐT và KTS Việt Nam năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển.
“Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, từ đó giúp khôi phục lại DN và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu.
Chia sẻ về chỉ tiêu KTS ngành Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS, Bộ Công Thương, cho biết tỷ trọng đóng góp KTS của ngành Công Thương đạt mức tối thiểu là 20 - 25%. Mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng từ 20 - 25%/năm, trong đó tỷ trọng bán lẻ TMĐT trong mức tổng bán lẻ phấn đấu đạt 20%.
Ngoài ra, ngành Công Thương cũng đặt chỉ tiêu tỷ lệ DN tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%; tỷ lệ DN sản xuất công nghiệp ứng dụng CĐS mong muốn đạt 70%. Lãnh đạo Cục TMĐT&KTS cho biết đây chính là chỉ tiêu KTS ngành Công Thương đã được ban hành trong quyết định của Bộ Công Thương.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề về TMĐT như xu hướng ứng dụng công nghệ trong CĐS nói chung và CĐS ngành Công Thương nói riêng; các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, phát triển KTS ngành Công Thương trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, sản xuất thông minh, TMĐT, logistics.
Ngoài ra, các diễn giả cũng đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất về giải pháp tiếp tục xây dựng thị trường TMĐT bền vững, thu hẹp khoảng cách số, tăng tính liên kết vùng; đồng thời đề cập đến các giải pháp phát triển TMĐT và KTS ngành Công Thương tại các địa phương.
Ông Phạm Hoành Sơn, Giám đốc tăng trưởng, AccessTrade, cho biết AccessTrade đã bước sang năm thứ 8 hoạt động tại Việt Nam, với nguồn nhân lực nội bộ chỉ khoảng 300 người nhưng AccessTrade có hơn 2,2 triệu người là cộng tác viên ở khắp các vùng miền.
"AccessTrade mong muốn Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ, là cầu nối giúp các DN vừa và nhỏ kết nối với các nền tảng công nghệ, đồng thời tổ chức nhiều chương trình, sự kiện hướng tới các DN nhỏ và vừa, “nếu có thể thì các sự kiện như ngày TMĐT quốc gia được tổ chức hàng tháng, hàng quý chứ không phải hàng năm, để các DN hiểu rõ hơn về sức mạnh của TMĐT, tạo ra sức lan tỏa nhiều hơn”.
Trong khi đó, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Lazada Việt Nam, cho biết mua sắm trên sàn TMĐT đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt.
Ông Dũng thông tin theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2023 thực hiện bởi VECOM, Báo cáo Google, Temasek and Bain, e-Conomy SEA 2022, có 57 triệu người Việt Nam đã tham gia mua sắm online trong năm 2022, trong đó tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, và có đến 43% người dùng là thế hệ (Gen) Z truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày.
Số liệu của Lazada Việt Nam cho thấy số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 ngành hàng trong giai đoạn giai đoạn 2021 – 2022.
Chinh phục người dùng là yếu tố cốt lõi để phát triển TMĐT, trong đó cần chú trọng giá trị bền vững và cung cấp những trải nghiệm mới. Đặc biệt, người dùng trong TMĐT sẽ là thế hệ tiêu dùng mới, thế hệ Z. Đây là thế hệ tiêu dùng am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả, là thành phần quan trọng nhất của KTS. Gen Z có xu hướng tìm kiếm giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu thiếu chất lượng và Gen Z cũng luôn sẵn lòng cho các trải nghiệm thú vị.
Lãnh đạo Lazada cho rằng tương lai của TMĐT sẽ hướng đến phát triển bền vững, bao gồm kinh doanh bền vững, cơ sở hạ tầng tiên tiến, nguồn nhân lực số chất lượng cao và ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Trong đó, để đảm bảo kinh doanh bền vững, các DN cần liên tục cải tiến quy trình hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phát thải. Đồng thời, DN cũng cần gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ, phát triển hệ sinh thái TMĐT một cách bền vững, với yếu tố quan trọng là xây dựng chuỗi cung ứng và đẩy mạnh thanh toán số toàn diện.
Đối với phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến, bao gồm đầu tư vào hạ tầng công nghệ, xây dựng hệ thống logistics bền vững cho TMĐT, điều cốt lõi cần lưu ý là phải liên tục nâng cấp và phát triển hạ tầng công nghệ, đầu tư mạng lưới kho bãi, vận tải, áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, tăng cường bảo mật thông tin và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm